Nước sẽ chảy chỗ trũng!
- Thứ năm - 15/01/2009 14:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được dự báo sẽ không rời bỏ thị trường Việt Nam. |
Thị trường Việt Nam có lợi thế là khả năng tăng trưởng cao, nhưng giá cổ phiếu lúc này rẻ hay đắt phụ thuộc vào việc thực thi các chính sách kinh tế trong nước nhiều hơn.
Bản báo cáo về TTCK Việt Nam của Ngân hàng HSBC vừa công bố khiến tâm lý thị trường thêm bi quan khi cho rằng, các nhà đầu tư lớn sẽ không vào Việt Nam do thị trường Việt Nam không có các công ty có giá trị vốn hóa tới 1 tỷ USD. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường hiện nay quá nhỏ.
Theo chuyên gia phân tích Fiachra Mac Cana của CTCK HSC, việc HSBC tỏ thái độ bi quan ở thời điểm mà thị trường chạm đáy sau gần 2 năm đi xuống là không hợp lý. "Chúng tôi thấy các quỹ trong khu vực sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam và chúng tôi tin rằng, một cách tổng thể, nhà ĐTNN sẽ là người mua ròng nhiều trong năm nay", ông Mac Cana nói.
Ghi nhận ở đại diện một số quỹ ĐTNN cho thấy, việc huy động vốn vào TTCK Việt Nam thời gian qua dựa nhiều vào các nhà đầu tư tổ chức quy mô trung bình và nhỏ, nhà đầu tư cá nhân ở các thị trường phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và gần đây là Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ SAM đang quản lý một quỹ đầu tư chứng khoán và một quỹ đầu tư bất động sản cho biết, Công ty có ý định huy động thêm một quỹ mới để đầu tư vào bất động sản. Đối tượng nhắm đến là nhà đầu tư ở châu Á, thích đầu tư bất động sản và đã hiểu biết về thị trường Việt Nam.
VinaCapital cũng đang xúc tiến thu hút vốn cho quỹ đầu tư bất động sản, dạng quỹ thành viên không niêm yết. "Trước tiên là vốn từ những nhà đầu tư cũ đã đầu tư vào các quỹ do VinaCapital quản lý", ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho biết.
Sở dĩ các quỹ này ưu tiên đầu tư vào thị trường bất động sản vì muốn tranh thủ giá bất động sản ở Việt Nam đang ở mức thấp, điều đó cho thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp không rời bỏ thị trường Việt Nam.
Quay trở lại với TTCK, theo các quỹ đầu tư, việc huy động vốn trên toàn thế giới sẽ mất nhiều công sức, thời gian hơn, chứ không riêng gì ở Việt Nam. Trong mấy năm qua, một số nhà ĐTNN đã đến Việt Nam và có được những hiểu biết nhất định về thị trường. Khi đã hiểu biết về thị trường thì họ sẽ nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt. Thực tế, thời gian qua có một số quỹ đầu tư quy mô vài chục triệu đến 100 triệu USD ra đời. Quản lý những quỹ đầu tư này là Việt kiều, những nhà ĐTNN hiểu biết về thị trường Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, sở dĩ nhà ĐTNN có hiện tượng rút vốn khỏi thị trường Việt Nam thời gian qua là để đối phó với những vấn đề tài chính của họ ở thị trường nước ngoài do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Dòng vốn này có quay trở lại thị trường Việt Nam hay không phụ thuộc vào tình hình kinh tế và TTCK thế giới. Nếu kinh tế thế giới ổn định, áp lực tài chính của nhà ĐTNN giảm thì dòng vốn sẽ quay trở lại Việt Nam. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô trong nước. Nếu các chính sách kích cầu, hỗ trợ sản xuất tiêu dùng của Chính phủ đạt hiệu quả cao, chính sách tiền tệ được thực thi tốt thì dòng vốn sẽ chảy vào.
Ông Thành cho rằng, việc gì cần làm ở thị trường trong nước thì nên làm mà không phụ thuộc vào câu hỏi "vốn nước ngoài có vào hay chưa". Việc cổ phần hóa của DNNN lớn và đưa lên niêm yết cần tiếp tục thực hiện theo lộ trình. "Sức hấp dẫn của thị trường được đánh giá theo trạng thái động, có sự thay đổi, chứ không phải nhìn một cách tĩnh lặng. Thị trường thay đổi là tăng sự hấp dẫn", ông Thành nói.
TTCK Việt Nam hiện tại theo nhận định của nhiều quỹ đầu tư là "không đắt, nhưng cũng không rẻ so với các nước trong khu vực". Bà Hana Hương Đặng, Trưởng đại diện Quỹ Bank Invest tại Việt Nam cho biết, nhà đầu tư vẫn đang đầu tư vào thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước như Úc, New Zealand… Thị trường Việt Nam có lợi thế là khả năng tăng trưởng cao, nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp lúc này rẻ hay đắt phụ thuộc vào việc thực thi các chính sách kinh tế trong nước nhiều hơn. Nếu các yếu tố vĩ mô tốt, giá cổ phiếu hiện nay sẽ là rẻ và dòng vốn sẽ quay trở lại như nước chảy chỗ trũng.