BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Phải giám sát hoạt động đầu tư ngoài ngành

Xung quanh các biện pháp kiềm chế lạm phát, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc (ảnh) cho rằng phải có cơ chế giám sát hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư ngoài ngành ở các tập đoàn, tổng công ty (TĐ-TCT) nhà nước. Ông nói:

Trong nền kinh tế thị trường thì ngân hàng là "bộ lọc" đầu tư của doanh nghiệp (DN). Tức là các hoạt động đầu tư của DN thông qua cơ chế ngân hàng huy động vốn. Các ngân hàng không chỉ nắm bắt được xu thế, diễn biến mà còn thẩm định được "sức khỏe" của mỗi DN, tính khả thi của từng dự án cũng như toàn hệ thống DN. Nhưng khi các TĐ-TCT là những thực thể kinh tế lớn lại tự lập ngân hàng, tự mình cho mình vay, rồi cho dự án khác vay thì sự thẩm định chất lượng đầu tư kinh doanh khó có thể khách quan, hiệu quả.

Việc cung cấp tín dụng này cũng không được thể hiện đầy đủ trong dữ liệu của hệ thống ngân hàng chính thống nên có thể gây lệch lạc các chính sách điều tiết vĩ mô.

* Thưa ông, nhiều TĐ-TCT đã công bố rằng tỉ lệ đầu tư ngoài ngành của họ hiện còn rất thấp so với giới hạn 30% tổng đầu tư. Ví dụ Tập đoàn Vinashin công bố là 4,5% và như vậy tình hình chưa đáng ngại?

Các dự án không có trong qui hoạch, chưa đủ thủ tục, chưa cấp bách, dự án về trụ sở, nhà văn hóa, hội trường, bảo tàng... chưa khởi công thì đều đình hoãn. Năm 2008 sẽ cắt 25% kế hoạch vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ... Những công trình cho cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, đầu tư cho an sinh xã hội thì chúng tôi kiến nghị không cắt giảm.

- Con số đầu tư ngoài ngành phải được so sánh với tổng vốn mà DN đó đã đem đầu tư. Ngoài vốn điều lệ, vốn ngân sách cấp còn có cả vốn DN đó đi vay để đầu tư. Bộ KH-ĐT đã kiến nghị trong chương trình giám sát tới của Quốc hội nên đặc biệt chú trọng giám sát hoạt động đầu tư ngoài ngành của các TĐ-TCT.

Trong đầu tư công thì chính phần đầu tư từ ngân sách không đáng lo ngại bằng phần đầu tư từ các TĐ-TCT. Vì đầu tư từ ngân sách đã có HĐND giám sát, trong khi các TĐ-TCT hiện nay chưa có cơ chế giám sát đủ mạnh mặc dù theo qui định, trách nhiệm này thuộc các bộ chủ quản.

* Ông có thể chia sẻ với một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nói rằng do không được tăng giá điện, tập đoàn này không có tiền để phát triển nên họ phải đầu tư bên ngoài để kiếm tiền?

- Tôi không đồng tình với lập luận này. Đầu tư về điện đang rất hấp dẫn. Các TĐ-TCT như Dầu khí, Lilama, Vinashin, Than - khoáng sản... đang đua nhau đầu tư vào điện lực. Họ làm như vậy sẽ có lợi hơn là mua điện của EVN. EVN vẫn có thể có lãi nếu biết cắt giảm tổn thất, chi phí và điều hành hiệu quả. Bài toán này cần chờ cơ quan kiểm toán trả lời.

Nếu EVN cho rằng đầu tư ra ngoài để lấy lợi nhuận phát triển thì càng không thuyết phục. Chưa chắc họ đã đạt điều đó khi chứng khoán, ngân hàng, bất động sản..., những lĩnh vực mà họ đang tham gia, bây giờ đang khó thu lời. Trong khi đó bốn năm qua VN liên tục thiếu điện. Năm nay tình trạng này rất có thể lặp lại. Ngành điện nên xem lại chiến lược, mục tiêu và nhiệm vụ chính của mình hơn là tìm kiếm kinh doanh bên ngoài.

* Chính phủ vừa có chủ trương siết chặt đầu tư công. Bộ KH-ĐT đã kiến nghị cắt giảm ra sao, thưa ông?

- Chúng tôi tham mưu bằng việc đưa ra các nguyên tắc rà soát để loại bỏ, hoãn, giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản năm 2008. Đối với các đơn vị sử dụng nguồn vốn ngân sách thì các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, sắp xếp lại các dự án trong kế hoạch năm 2008 và đưa khỏi danh mục những dự án không phù hợp, không hiệu quả, tiến độ quá chậm hoặc chưa rõ nguồn vốn.

Những dự án dự kiến khởi công năm 2008 nhưng đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31-10-2007 thì không bố trí vào kế hoạch năm 2008. Những dự án đang triển khai nhưng xét thấy giãn được thì giãn. Kiên quyết loại bỏ dự án thực hiện lâu nhưng khối lượng ít, nguồn vốn không khả thi hoặc nhà thầu năng lực yếu. Hạn chế khởi công mới, hạn chế ứng vốn. Hoãn khởi công các công trình dự án trụ sở làm việc. Những dự án thực hiện quá thời gian qui định do vướng mắc thủ tục, mặt bằng, kỹ thuật cũng giãn tiến độ.

Ở tất cả các nguồn vốn khác như trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, dự án thuộc DN nhà nước... đều phải kiên quyết, chặt chẽ trong tất cả các khâu thẩm định, cấp vốn và giám sát.

* Những tiêu chí của dự án phải cắt giảm, giãn hoãn vẫn chung chung thì hiệu quả thế nào?

- Chúng tôi chỉ đưa ra tiêu chí chung, trên cơ sở đó các địa phương sẽ ra các tiêu chí riêng. Họ cần phải xem xét từng dự án, từng vùng, như vùng núi tiêu chí phải khác, đồng bằng phải khác. Các tiêu chí địa phương đặt ra cần phục vụ mục tiêu phục vụ lợi ích trước mắt cho địa phương. Ví dụ Hà Nội, không ai đặt ra phải cắt giảm đầu tư cho các công trình giao thông nội ô, cầu Nhật Tân vẫn phải làm, đường dẫn từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài cũng phải làm. Nhưng nhà bảo tàng thì nên cắt.

Nguồn tiền khống chế ở mức nhất định, không thể có thêm, các địa phương không cắt không được. Nhiều nơi đã rất tích cực triển khai. Tháng năm tới các địa phương sẽ báo cáo chi tiết những danh mục này.

* Theo ông, nếu muốn giữ mức lạm phát 12,4% như năm 2007, VN cần phải giảm bao nhiêu phần trăm đầu tư công?

- Đầu tư công bao gồm cả đầu tư của Nhà nước và DN nhà nước thường chiếm khoảng 45% tổng đầu tư. Năm nay đầu tư công chỉ khoảng 40% vì đầu tư nước ngoài tăng. Chúng tôi không nói giảm đầu tư công bao nhiêu thì giảm được lạm phát mà phải thực hiện đồng bộ tám giải pháp Chính phủ đã đề ra. Đầu tư công chỉ là một trong các yếu tố giúp giảm lạm phát

Cầm Văn Kình - Quang Thiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây