Quay về thị trường nội địa
- Thứ năm - 24/04/2008 14:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Suy thoái kinh tế của Mỹ sẽ có ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. vậy Việt Nam sẽ chịu tác động ở mức nào từ sự suy thoái này, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 60% GDP của cả nước. Trong đó thị trường Mỹ là một thị trường rất quan trọng của chúng ta. Do ảnh hưởng của việc nền kinh tế Mỹ suy thoái, các công ty xuất khẩu Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động mạnh.
Ông Võ Trí Thành: Khủng hoảng ở Mỹ là một cuộc khủng hoảng có quy mô rất lớn nếu so với khủng hoảng tài chính tiền tệ tại châu Á mười năm trước. Nhiều "đại gia" của thế giới, những người luôn đi dạy bảo nước khác về tính minh bạch và khả năng dự phòng rủi ro giờ đây đang chứng kiến tài sản và vốn liếng của họ mất đi hàng chục tỷ USD. Tác động sẽ ra sao?
Nếu kinh tế Mỹ suy thoái, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ở cả ba hướng. Thứ nhất, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, chiếm đến 24% tổng sản lượng xuất khẩu năm 2007. Khi người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu, chắc chắn xuất khẩu vào Mỹ sẽ khó khăn hơn, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, giày dép... sẽ bị cắt giảm đầu tiên.
Thứ hai, khi kinh tế Mỹ suy thoái, khu vực bị ảnh hưởng nhất là các nước Đông Á, đang chiếm tới 60-70% tổng đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, các nước này sẽ thắt chặt chi tiêu, khuyến khích xuất khẩu khiến đầu tư vào Việt Nam có thể giảm, xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ gặp thách thức lớn. Cạnh tranh giữa các nước Đông Nam Á có chung cơ cấu hàng xuất khẩu với Việt Nam sẽ gay gắt hơn. Thứ ba, nguồn tài chính, vốn gián tiếp đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là thị trường chứng khoán sẽ suy giảm.
- Những tác động là rất rõ ràng, vậy theo ông, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp cần thực hiện những chính sách nào trước hoàn cảnh này?
Ông Võ Trí Thành: Nhìn từ góc độ quản lý tài chính và cán cân thương mại, Việt Nam hiện nay đang có những điểm bất lợi. Các nước khác ứng phó với tác động của cuộc suy thoái trong thời điểm cán cân thanh toán của nhiều nước đều có thặng dư; một số nước thậm chí có thặng dư tài chính ngân sách. Trong khi đó, Việt Nam luôn thâm hụt. Chưa kể, chính sách tỷ giá cứng nhắc hiện nay khiến cho việc đưa ra các giải pháp trong từng tình huống cụ thể là rất khó khăn. Ngoài ra, hầu hết các nước đều có tỷ lệ đầu tư thấp hơn tiết kiệm, Việt Nam thì ngược lại. Năm ngoái, đầu tư của Việt Nam chiếm tới 40% GDP, quá cao so với thông lệ chung của thế giới. Những hạn chế này đang đặt ra thách thức cho việc ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái như hiện nay. Từ phía doanh nghiệp, cuộc chơi WTO đã đi qua hơn một năm rồi mà trình độ nhận thức của các doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện nhiều. Một cuộc điều tra mới đây của chúng tôi cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam nói chung rất thụ động. Trong số 130 doanh nghiệp được điều tra, chỉ có 3% biết về cơ chế ưu đãi thương mại GSP của EU. Gần đây nhất, cuộc khủng hoảng tỷ giá khi đồng Việt Nam lên giá so với USDä khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Do đó, từ phía các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ hơn ngay bây giờ để có thể ứng phó với những bất lợi từ bên ngoài.
Ông Bùi Kiến Thành: Theo tôi, đây là thời điểm cần thiết và quan trọng để lập ra một ban dự báo về suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Thị trường Mỹ chiếm tới 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mỗi năm nên khi thị trường này khó khăn, dù muốn hay không các doanh nghiệp buộc phải tổ chức lại thị trường nội địa để giải quyết một phần hàng hóa mà doanh nghiệp không thể xuất khẩu được.
Thực tế hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ làm hàng gia công cho những đối tác nước ngoài. Hiện kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là qua xuất khẩu ủy thác, các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được đối tác để xuất khẩu trực tiếp.
- Như vậy là thị trường xuất khẩu sẽ khó có cơ hội phát triển?
Ông Bùi Kiến Thành: Xuất khẩu trực tiếp rất quan trọng, bởi khi nền kinh tế suy thoái, những nhà nhập khẩu trực tiếp sẽ biết chính phủ nước sở tại cắt giảm mặt hàng nào, lĩnh vực nào trước tiên. Ví dụ đối với mặt hàng dệt may, nếu các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang những nhà nhập khẩu Mỹ sẽ biết được thông tin chính phủ nước này sẽ cắt giảm số lượng bao nhiêu, ở những chủng loại mặt hàng nào, ở từng nước cụ thể ra sao... Tất cả những những thông tin này sẽ giúp chúng ta chủ động được thị trường và điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh ở thị trường Mỹ. Đây cũng là những thông tin đầu nguồn cần thiết để các nhà xuất khẩu Việt Nam đàm phán dễ dàng hơn với các nhà nhập khẩu trực tiếp và cả những đối tác ủy thác lâu nay vẫn nhập hàng từ Việt Nam. Một vấn đề cũng cần lưu ý là lâu nay, chúng ta vẫn chủ yếu nhập nguyên liệu từ bên ngoài về gia công xuất khẩu. Trong ngành dệt may xuất khẩu, hiện các doanh nghiệp phải nhập 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Đây là thời điểm để các doanh nghiệp cân nhắc và tính toán lại tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu của mình. Trên cơ sở rà soát lại những đơn hàng có thể sử dụng nguyên phụ liệu nội địa với giá rẻ hơn. doanh nghiệp nên nhập những nguyên phụ liệu từ bên ngoài trong trường hợp bất khả kháng, những nguyên phụ liệu không thể thay thế cho những đơn hàng cao ứng có giá trị xuất khẩu cao. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tăng trưởng do ảnh hưởng của đợt suy thoái kinh tế Mỹ, việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu nước ngoài cũng gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển đổi hoặc giảm số lượng xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tích cực đàm phán tìm nguồn cung cấp rẻ hơn, giảm phần thiệt hại về phía mình.
Ông Võ Trí Thành: Theo tôi, điều quan trọng là ngay trong khủng hoảng thì châu Á vẫn là điểm đến tốt nhất thế giới cho đầu tư gián tiếp và trực tiếp. Các quỹ đầu tư quốc gia trên thế giới hiện nắm giữ tới 3.000 tỷ USD và họ sẽ vẫn xem châu Á như một thị trường tiềm năng để giải ngân. Chúng ta có cơ hội tiếp cận nguồn vốn này, tuy nhiên việc tiếp nhận nguồn vốn này ra sao cũng cần phải xem xét kỹ càng vì tính minh bạch không cao.
- Xin cảm ơn hai ông.
Ông Võ Trí Thành: Một kịch bản đã được đưa ra là trong năm nay Mỹ tăng trưởng 0% và USD mất giá khoảng 20%. Khi đó Đông Á sẽ là khu vực chịu tác động mạnh nhất. Như vậy, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị giảm 3,3%, đối với Hàn Quốc và Đài Loan, con số này thậm chí là 4 đến 5%. Trong bối cảnh đó, khó mà kỳ vọng Việt nam duy trì được tăng trưởng như dự kiến. Ông Bùi Kiến Thành: Cần lập Ban chuyên trách dự báo suy thoái kinh tế Mỹ để mổ xẻ và phân tích những diễn biến và ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ đến Việt Nam. Chúng ta buộc phải dự báo từ xa trước khi "bão" đến. Chỉ ra các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần làm gì để giảm thiểu rủi ro từ ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ? |