Quỹ đầu tư nhìn về đâu?
- Thứ năm - 12/03/2009 02:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Kinh tế Việt Nam có lợi thế về tiêu dùng thị trường nội địa. |
Hàng ngày, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn nhìn vào bảng điện tử, theo dõi giá cả giao dịch, quan tâm đến các chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước để dự đoán xu hướng TTCK, nắm bắt cơ hội quay trở lại kiếm lời ở thị trường này ngay khi có những chỉ báo tích cực. Còn các quỹ đầu tư lớn, họ nhìn vào đâu? Hay nói cách khác, đâu là tín hiệu chỉ báo cho quyết định quay trở lại đầu tư của họ. Tìm hiểu của ĐTCK tại các quỹ lớn cho thấy, câu trả lời đều có điểm chung là tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tình hình kinh tế Mỹ.
Theo ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu là chìa khóa cho diễn biến sắp tới của TTCK các nước, trong đó có Việt Nam. "Hiện tại, chưa có dấu hiệu gì rõ ràng để đưa ra định hướng đầu tư trong thời gian tới. Không thể nói có đủ thông tin để dự báo thị trường vào lúc này. Thông tin đang thay đổi hàng giờ", ông Dominic nói.
Theo Phó tổng giám đốc VinaCapital, ông Phạm Đỗ Chí, thị trường Mỹ là yếu tố quan trọng quyết định tâm lý đầu tư ở đây. Khi thị trường Mỹ còn khủng hoảng lâu dài thì phải thận trọng trong đầu tư. Tất nhiên, sự ảnh hưởng của TTCK Mỹ đến TTCK Việt Nam không theo kiểu cơ học giản đơn là tối nay thị trường Mỹ tăng hay giảm thì ngay mai thị trường trong nước chuyển động cùng chiều. Nền kinh tế Mỹ có ảnh hưởng đến sự phục hồi của TTCK là bởi nếu kinh tế Mỹ còn khó khăn thì xuất khẩu khó tăng trưởng, các công ty khó phát triển. Tình hình kinh tế Mỹ sẽ là dấu hiệu phục hồi cho TTCK toàn cầu. "Ai lạc quan lắm mới nghĩ kinh tế Mỹ phục hồi vào cuối năm nay. Trước đây, tôi cũng có quan điểm này, nhưng tôi đã thay đổi quan điểm, ít nhất phải đến giữa năm 2010", ông Chí nhận định.
Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SAM, ông Nguyễn Thế Lữ cho biết, ở Mỹ đang xảy ra hết chuyện này đến chuyện khác, nên nếu thấy thị trường rớt nữa thì quỹ đầu tư của SAM sẽ bán bớt danh mục đầu tư của mình, nhất là cổ phiếu của những công ty mà quản trị không lành mạnh, cổ phiếu thuộc những ngành gặp khó khăn trong năm nay như tài chính, ngân hàng, xuất khẩu.
"Động thái của nhiều quỹ hiện nay là củng cố lượng tiền mặt, không triển khai các dự án mới, bớt vay mượn. Rà soát lại, loại bỏ các dự án đầu tư phung phí. Ưu tiên các dự án đem lại dòng tiền mặt. Chẳng hạn, thay vì tập trung vào dự án văn phòng cao cấp thì tập trung vào nhà ở cho người thu nhập trung bình. Không đầu tư khách sạn 5 sao, mà tập trung vào khách hạng trung, khách sạn 3 - 4 sao phù hợp với nhu cầu của thị trường nội địa cũng như khả năng chi tiêu của khách du lịch", ông Chí nói.
Ông Chí bình luận: "Đây không phải là thời buổi của mạnh bạo, giữ tiền mặt cho giỏi cũng là cách đầu tư hay".
Ông Phạm Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Prudential cho biết, Quỹ Prudential vẫn chưa giải ngân đồng nào trong số 140 triệu USD của quỹ bất động sản đã huy động năm ngoái, dù có rất nhiều hồ sơ mời đầu tư gửi đến.
"Quỹ bất động sản do SAM quản lý cũng còn gần 40% tiền mặt, nhưng việc đầu tư hết sức thận trọng do lo ngại sau khi mua, giá lại giảm tiếp", ông Lữ nói.
Tại Dragon Capital, lượng tiền mặt và trái phiếu đang ở mức 20% vốn. Ông Dominic cho biết, việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của Dragon Capital về cơ bản đã xong từ năm ngoái.
Nguồn động viên lớn với các quỹ đầu tư vào lúc này là nền kinh tế Việt Nam với những đặc thù riêng nên không đến mức tệ như những gì đang diễn ra ở Mỹ. Theo ông Dominic, kinh tế Việt Nam có lợi thế về cơ cấu GDP, về tiêu dùng thị trường nội địa tốt, vay nợ có giới hạn, cán cân thanh toán năm nay sẽ không bị thâm hụt như năm ngoái… Những lợi thế này đang được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ bổ sung.
"10 giờ đêm, tôi đi qua Siêu thị Lotte ở Phú Mỹ Hưng vẫn thấy đông người mua sắm. Các quán ăn vẫn đông khách. Điều này khác hẳn với những gì đang diễn ra ở Mỹ. Người Việt Nam vẫn tiêu dùng, nhưng không quá vay mượn ngân hàng", ông Lữ tỏ ra lạc quan về kinh tế - xã hội ở Việt Nam.