STB có cứu được VN-Index?
- Thứ hai - 17/11/2008 11:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
STB là một trong những cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường |
Phiên giao dịch tăng điểm vừa qua, đã phần nào làm ấm lòng nhà đầu tư không chỉ bởi xu hướng đi ngược với thị trường chứng khoán thế giới, mà còn là sự “sống dậy” của cổ phiếu STB (Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín -(Sacombank), một trong những blue-chips của thị trường.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán trước đó, những tác động xấu đối với cổ phiếu STB, như tin đồn ANZ chuẩn bị bán ra cổ phiếu STB, sẽ khiến giá cổ phiếu này trượt dốc, ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý nhà đầu tư.
Cũng theo các công ty chứng khoán, hiện STB là một trong những cổ phiếu đầu tàu, có ý nghĩa dẫn dắt thị trường, nên khả năng chỉ số VN-Index suy giảm sẽ xảy ra, nếu như thực tế diễn ra đúng với tin đồn.
Thế nhưng, diễn biến về giá của cổ phiếu này đã ngược lại với dự đoán của giới phân tích. Trong khi đa số các cổ phiếu blue-chips khác giảm hoăc giữ giá trong phiên giao dịch ngày 13/11, thì STB lại đóng cửa ở mức giá trần. Kết quả này cũng làm thay đổi cơ bản tâm lý của nhà đầu tư, bởi xu hướng giảm điểm theo các thị trường chứng khoán quốc tế đối với VN-Index là rất lớn.
Một nhà đầu tư ở sàn SSI nhận xét, quá trình tăng giá của STB trong tuần vừa qua được coi là sự báo hiệu về khả năng phục hồi của thị trường. Chỉ nhìn nhận thời điểm cổ phiếu này “lội ngược dòng” đã có thể thấy mức giá đáy của cổ phiếu này và phần nào xác định được ngưỡng hỗ trợ của VN-Index.
Song điều đáng nói từ sự tăng giá liên tiếp trong 3 phiên giao dịch cuối tuần là những động thái tích cực của nhà đầu tư đối với thị trường. Thay vì bán ra khi tình hình thị trường tài chính thế giới suy giảm, họ đã dừng bán, thậm chí mua vào nhiều hơn, tạo sức bật cho VN-Index.
Có thể nói, sự thay đổi về tâm lý của nhà đầu tư đối với STB nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung là có cơ sở. Trong đó, cũng trong ngày 13/11, Sacombank khẳng định, chưa nhận được thông báo bán cổ phần từ đối tác chiến lược là ANZ. Đến nay, ANZ cũng chưa đăng ký bán với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Khẳng định thông tin này, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, theo hợp đồng, khi ANZ bán cổ phần thì phải thông báo trước cho Sacombank, nhưng chưa thấy họ đặt vấn đề.
Mặt khác, theo quy định của Bộ Tài chính, khi bán cổ phiếu, cổ đông nội bộ và cổ đông lớn bắt buộc phải đăng ký với Sở Giao dịch chứng khoán và công bố thông tin theo quy định hiện hành. Hiện Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cũng chưa nhận được đăng ký từ ANZ.
Một thông tin khác khiến nhà đầu tư trông đợi vào sự phục hồi của STB là mới đây, Sacombank được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chấp thuận việc mua lại 25 triệu cổ phiếu phổ thông (khoảng 5% vốn cổ phần) để làm cổ phiếu quỹ.
Thời gian ngân hàng này mua lại cổ phần là từ ngày 18/11 đến ngày 18/12, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nguồn vốn cho mua lại cổ phiếu trích từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần của Sacombank.
Hiện Sacombank có 3 đối tác chiến lược nước ngoài nắm gần 30% vốn cổ phần, gồm Dragon Financial Holdings, International Financial Company (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ). Trong đó, ANZ nắm 10% cổ phần của Sacombank.
Như vậy, theo giới phân tích, khi các đối tác này không bán cổ phiếu ra thì khoảng thời gian nhạy cảm từ ngày 13/11 đến ngày 18/12 được coi là thời điểm an toàn và xác định rõ ngưỡng kháng cự.
Khi STB xác lập được mức giá đáy vững vàng, nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi mua vào cổ phiếu này sau ngày 18/12. Cũng theo giới phân tích, với tốc độ tăng giá liên tiếp trong các phiên giao dịch cuối tuần, cổ phiếu STB đang được coi là điểm sáng, giúp thị trường phục hồi vững vàng hơn.