Tái cơ cấu ngành GT-VT: Nan giải CPH, thoái vốn
- Thứ ba - 10/09/2013 11:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Kiến thiết cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới… đang là những trọng trách lớn đối với ngành GT-VT.
Bởi bài toán tái cơ cấu với ẩn số lớn nhất là vốn đã được khởi động từ rất sớm, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn đang ngổn ngang, bề bộn đối với doanh nghiệp ngành GT-VT.
Số âm về vốn
Đứng đầu trong danh sách doanh nghiệp ngành GT-VT phải tái cơ cấu là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Đây cũng chính là thử thách lớn nhất đối với các cơ quan quản lý, bởi “số phận” doanh nghiệp này vẫn đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Theo báo cáo của Vụ Tài chính, Bộ GT-VT, Vinashin hiện đã mất hết vốn chủ sở hữu, không có vốn hoạt động, dư nợ vay lớn, lỗ lũy kế lớn. Tình cảnh thua lỗ nặng nề này của Vinashin vẫn chưa thấy điểm dừng. Không quá đình đám như Vinashin nhưng con số nợ được công bố tại đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới đây cũng cho thấy tình trạng không kém phần bi đát.
Còn quá nhiều việc để làm. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dù đã được ưu tiên đầu tư, song vẫn còn rất nhiều quốc lộ chưa được nâng cấp, nhiều tuyến đường thường xuyên bị ách tắc, quá tải... Hệ thống đường sắt cũ kỹ, lạc hậu từ đường ray đến đầu máy, toa xe. Cảng biển chưa khai thác hết lợi thế, vận tải biển vẫn thất bại ngay trên sân nhà, dịch vụ hàng không còn quá nhiều điều cần chấn chỉnh… Do vậy, tái cơ cấu, CPH là hướng đi không thể khác, là con đường tất yếu để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển đối với các doanh nghiệp ngành GT-VT. Ông Đinh La Thăng, |
Tính đến hết tháng 5-2012, dư nợ công ty mẹ phải trả cho các tổ chức tín dụng 321 triệu USD, tương đương 6.690 tỷ đồng. Bên cạnh các chủ nợ ngân hàng là Vietcombank (348 tỷ đồng), VietinBank (862 tỷ đồng), Citibank (173 tỷ đồng), Vinalines còn nợ trái phiếu 1.175 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu do Vinalines đầu tư vào các dự án cảng, mua sắm tàu trong giai đoạn phát triển nóng (2007-2008). Sau đó sự đi xuống của thị trường vận tải biển đã khiến doanh nghiệp lỗ nặng.
Đáng lo ngại hơn, nợ ở công ty mẹ Vinalines không thấm vào đâu so với các đơn vị thành viên. Đến tháng 5-2012, các công ty con trong hệ thống nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng 61.768 tỷ đồng.
Một mảng tối nữa trong bức tranh doanh nghiệp ngành GT-VT là thực trạng của các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8). Những thương hiệu này đã từng làm mưa làm gió trong lĩnh vực thi công công trình giao thông nhưng nay đều trong tình trạng thoi thóp, không có khả năng đấu thầu công trình lớn, công nhân không có việc làm, vốn liếng dần teo tóp.
Thê thảm nhất là Cienco 8. Từng là một tổng công ty lớn nhưng số nợ phải thu của doanh nghiệp này tính đến 30-6-2013 lên tới 1.300 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả 2.800 tỷ đồng. Quá trình tái cơ cấu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng nổi cộm bài toán về vốn.
Thiếu sự quan tâm và đầu tư đúng mức trong thời gian dài, ngành đường sắt đang tụt hậu khá xa và đánh mất tiềm năng so với các loại hình vận tải khác, dẫn đến doanh nghiệp trong ngành cũng rơi vào tình trạng “cái khó bó cái khôn”. Có lẽ, trong số các doanh nghiệp ngành GT-VT chỉ có Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là tương đối khả quan nhờ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, bảo toàn và phát triển được vốn.
Tiến độ CPH rùa
Bộ GT-VT đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) đối với 10 công ty mẹ. Hiện ban này đang tập trung giải quyết các vấn đề tài chính như thực hiện CPH các đơn vị thành viên, giải quyết các thủ tục về đất đai, đối chiếu công nợ tổng thể, tổng hợp các khoản lỗ và hướng giải quyết. Bên cạnh đó, Bộ GT-VT cũng đã phê duyệt phương án chuyển 9 doanh nghiệp thành CTCP, ra quyết định xác định giá trị doanh nghiệp đối với 14 doanh nghiệp.
Thế nhưng, tổng thể bức tranh tái cơ cấu doanh nghiệp ngành GT-VT vẫn chưa mấy sáng sủa. Nguyên nhân chính vẫn do hầu hết doanh nghiệp phải tái cơ cấu trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu, năng lực, uy tín thương hiệu suy giảm nghiêm trọng.
![]() |
Vinalines đang chờ Bộ GT-VT trình Chính phủ và NHNN xem xét khoanh nợ, xóa nợ. |
Trong lộ trình tái cơ cấu, bước đi đầu tiên là thoái vốn các lĩnh vực không còn hiệu quả, sau đó sắp xếp lại các doanh nghiệp, hoàn thành CPH, nâng dần vốn điều lệ, phục hồi năng lực hoạt động. Thế nhưng việc thoái vốn không hề dễ dàng.
Tại Vinashin, dù được Chính phủ, lãnh đạo Bộ GT-VT và các bộ, ngành liên quan quan tâm sát sao, nhưng Tổng giám đốc Vũ Anh Tuấn vẫn thừa nhận qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, số đơn vị hoàn thành rút vốn chưa nhiều. Đến nay Vinashin mới chỉ rút vốn 14 đơn vị, giải thể 14 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp 12 đơn vị. Tại Vinalines, để giải quyết khoản nợ khổng lồ gần 3 tỷ USD, giải pháp chủ yếu được đưa ra là bán tàu để trang trải, sau đó xin giãn, khoanh, xóa nợ tại ngân hàng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này việc bán tàu rất khó khăn bởi giá bán tàu khách hàng chấp nhận mua thấp hơn mức giá Bộ Tài chính thẩm định rất nhiều. Bên cạnh đó, việc xử lý tài chính, CPH các doanh nghiệp tại tập đoàn này cũng đang diễn ra rất chậm.
Tương tự, ở khối Cienco, nâng vốn điều lệ cũng đang là nhiệm vụ bất khả thi, bởi vòng luẩn quẩn muốn nâng vốn điều lệ phải hoàn thành CPH, mà muốn CPH doanh nghiệp phải có được niềm tin của cổ đông, tài chính minh bạch, việc làm ổn định, duy trì tăng trưởng và có thương hiệu trên thị trường.
Đơn cử, Cienco 4 đặt mục tiêu sớm nâng vốn điều lệ lên gần 1.000 tỷ đồng, nhưng những năm qua dù rất nhiều nỗ lực cũng chỉ nâng lên được 350 tỷ đồng. Với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dù xác định nhu cầu tái cơ cấu là bức thiết để cải thiện bộ máy cồng kềnh, năng lực cạnh tranh quá yếu kém, tụt hậu so với nhu cầu thực tế, nhưng đến thời điểm này Bộ GT-VT mới chỉ thành lập ban chỉ đạo tái cơ cấu, với nhiệm vụ chính là rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hành lang cho dự kiến sắp xếp, đổi mới đường sắt Việt Nam được triển khai thuận lợi.
Chỉ duy nhất Vietnam Airlines đang bám sát lộ trình CPH khi tiến hành thoái vốn tại Techcombank và sau đó sẽ là thoái vốn tại Tổng CTCP Bảo Minh, CTCP Giao nhận kho vận hàng không và France Telecom. Doanh nghiệp này dự kiến IPO trong năm nay.
Quyết liệt trong triển khai, thực hiện
Trong các cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã không ít lần nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý hãy “trực diện khó khăn, tồn tại, quyết tâm đổi mới”. Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, trong thời gian tới lãnh đạo bộ sẽ giám sát chặt chẽ quá trình tái cơ cấu của Vinashin theo đề án Chính phủ vừa trình Bộ Chính trị.
Theo đó, Vinashin sẽ còn 8 doanh nghiệp hoạt động, 216 doanh nghiệp không giữ sẽ bán cổ phần, 126 doanh nghiệp không còn vốn chủ sở hữu sẽ cho phá sản, phấn đấu đến năm 2015 hoàn tất việc chuyển nhượng những doanh nghiệp nhỏ lẻ này.
Tính đến hết tháng 6-2013, tổng số tiền lương ngành GT-VT nợ người lao động trên 160 tỷ đồng; tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… trên 255 tỷ đồng, so với quý IV-2012 tăng hơn 31 tỷ đồng. Đây là hệ lụy trực tiếp từ hơn 200 công trình bị chậm thanh toán trên 2.000 tỷ đồng và gần 100 công trình bị đình hoãn tiến độ… Theo báo cáo của Công đoàn ngành GT-VT |
Bộ GT-VT cũng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên phải sớm hoàn thành đại hội cổ đông để giải quyết vướng mắc trong việc rút vốn, sáp nhập và giải thể các đơn vị không nằm trong mô hình mới của Vinashin. Về tái cơ cấu tài chính, đặc biệt là khoản nợ trong nước của tập đoàn, bộ cũng giao các thứ trưởng, vụ chức năng bám sát các cơ quan của Chính phủ, ngân hàng giúp Vinashin tháo gỡ khó khăn.
Với Vinalines, Bộ GT-VT yêu cầu tập trung xử lý tài chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CPH doanh nghiệp trực thuộc theo yêu cầu của Chính phủ. Về phần mình, Bộ GT-VT sẽ làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc khoanh, xóa nợ, trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ xem xét.
Với các tổng công ty khác, Bộ GT-VT chỉ đạo đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu đổi mới doanh nghiệp, rà soát, minh bạch tài chính, kiểm soát dòng tiền lưu thông, hạch toán từng dự án. Với các dự án đã hoàn thành, doanh nghiệp làm gọn thủ tục hoàn công để thanh toán hết, thu về tiền. Với những dự án đang đình hoãn, dự án nào đã đạt 50% khối lượng bộ sẽ xem xét nguồn vốn cho đầu tư hoàn tất, dự án nào chưa khởi công hoặc khối lượng chưa lớn, doanh nghiệp làm thủ tục để lấy lại tiền bảo lãnh. Các công trình chưa rõ nguồn vốn, không có tiền đề nghị doanh nghiệp không làm.
Theo Bộ GT-VT, thực tiễn CPH của 10 tổng công ty mẹ cho thấy một số công ty con gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, giá trị doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả nên đang phải làm việc với các công ty mua bán nợ. Vì thế quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp để chuyển thành CTCP chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.
Để đẩy nhanh tiến độ CPH công ty mẹ trong trường hợp các công ty con chưa hoàn thành việc xác định trị giá doanh nghiệp, hoặc thuộc diện tái cơ cấu thông qua mua bán nợ, Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng cho phép hoàn chỉnh phương án CPH công ty mẹ, đồng thời thực hiện tiếp các bước trong quy trình để CPH công ty con.