BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Tăng vốn bừa bãi, thị trường bế tắc

Lý giải về tình trạng cung vượt quá cầu trên TTCK có nhiều ý kiến cho rằng do trong năm qua, nhiều công ty niêm yết đã phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ vô tội vạ.

Lý giải về tình trạng cung vượt quá cầu trên thị trường chứng khoán, khiến thị trường ngày càng ảm đạm, đã có nhiều ý kiến cho rằng có phần do trong năm qua, nhiều công ty niêm yết đã phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ vô tội vạ mà không có những dự án khả thi, những chiến lược đầu tư rõ ràng...

Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị công ty chứng khoán Hà Nội cho rằng, đối với nhiều doanh nghiệp đã niêm yết, việc huy động vốn bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu, nâng vốn điều lệ là rất cần thiết để đẩy mạnh đầu tư, tái cấu trúc lại hoạt động, phát triển rộng ra những ngành nghề mà trước đây doanh nghiệp chưa từng tham gia.

 

Tuy nhiên, theo ông, cũng có một thực tế là vừa qua và cho đến hiện nay, có không ít doanh nghiệp đã phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn một cách vội vã mà không có một chiến lược đúng đắn trong việc sử dụng nguồn vốn tăng thêm ngay từ đầu. “Tôi biết là có nhiều công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ sau khi tăng vốn xong nhưng không biết sử dụng số vốn thặng dư đó một cách hiệu quả, bị sức ép từ các cổ đông nên tiến hành nhiều hoạt động đầu tư vội vã, không đem lại hiệu quả cao”, ông Tuấn nhận xét.

 

Một cán bộ của uỷ ban chứng khoán nhà nước cũng thừa nhận tình trạng nhiều doanh nghiệp xin tăng vốn nhưng lý do tăng không rõ ràng. “Có rất nhiều đơn vị không giải trình được lý do tăng vốn, trong đó có cả ngân hàng thương mại cổ phần.

 

Nhưng cũng có câu chuyện người trình và người duyệt cũng có móc máy với nhau (nên việc đề nghị của doanh nghiệp, đơn vị đó vẫn được chấp thuận – Sài Gòn Tiếp Thị)”, ông này nói.

 

Cũng theo ông này, “thường thì họ cũng có giải trình, cũng có đề án nhưng phải thấy là, người Việt Nam mình khi vẽ, vẽ rất giỏi nên vẫn thấy có những dự án, chương trình đầu tư có vẻ rất đẹp, rất ngon ăn nhưng phân tích kỹ thì không có tính khả thi”. “Tôi thấy vừa qua có hàng chục công ty chứng khoán toàn xin tăng vốn điều lệ một phát từ 200 tỉ lên 500 tỉ đồng nhưng với năng lực các công ty ấy, điều khiển 30 tỉ đồng còn điều khiển được. Rồi lại mỡ nó rán nó, tiền nhà đầu tư cũng lại trả lại nhà đầu tư thôi”, ông này nói.

Cùng chia sẻ quan điểm trên với ông Tuấn, ông Đào Văn Minh, tổng giám đốc công ty chứng khoán Hải Phòng nói: “Thị trường đang xấu đi cũng có phần do tình trạng tăng vốn tại nhiều công ty niêm yết”. Theo ông Minh, trong năm 2007, có rất nhiều công ty sau khi tăng vốn đều đầu tư vào lĩnh vực tài chính hoặc bất động sản. “Nhưng điều nguy hiểm là khi thị trường có biến động xấu, khủng hoảng thì sẽ có hậu quả dây chuyền ngay”, ông Minh nói.

Trên thực tế, có thể thấy không ít công ty phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 50 tỉ lên 100 tỉ đồng trong khi tài sản không thay đổi, vốn lại nằm chết, không được đưa ra đầu tư.

 

Điều này cũng gây ra không ít nghi ngờ từ phía các nhà đầu tư cho rằng việc tăng vốn như vậy chỉ làm pha loãng giá trị của doanh nghiệp.

 

Do đó, một hệ quả thường thấy là giá cổ phiếu của các công ty niêm yết sau khi phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ đều giảm sút. Cho dù, cũng có những công ty sau khi tăng vốn cũng đã có các hoạt động đầu tư đem lại hiệu quả cao, dựa trên một chiến lược đầu tư đúng đắn như công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE), hay công ty cổ phần cáp và vật liệu viễn thông (Sam)...

“Theo tôi, mỗi một doanh nghiệp hoạt động đều có một mục tiêu riêng và thường phải xác định sẵn một năng lực, một lĩnh vực hoạt động “lõi” của doanh nghiệp đó và phải tập trung nguồn lực cho nó. Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp lại có xu hướng kinh doanh đa ngành, dầu tư dàn trải. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp lại chuyển sang cả đầu tư tài chính trong khi lại thiếu kinh nghiệm, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng... đó không phải là sách lược khôn ngoan”, tổng giám đốc công ty chứng khoán Hải Phòng nhận xét.

Cũng đã có nhiều ý kiến từ phía hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ... cho rằng, tình trạng phát hành cổ phiếu, tăng vốn bừa bãi trong thời gian qua có phần trách nhiệm của uỷ ban chứng khoán nhà nước khi không kiểm tra, kiểm soát kỹ, dễ dàng chấp thuận những đề nghị phát hành, tăng vốn điều lệ không hợp lý của nhiều doanh nghiệp.

 

Một số quy định bất cập như yêu cầu của sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh về việc các công ty niêm yết phải có vốn trên 80 tỉ đồng, các công ty chứng khoán phải có vốn pháp định ít nhất 300 tỉ đồng hay các ngân hàng thương mại cổ phần phải có vốn pháp định trên 3.000 tỉ đồng… cũng đã gây áp lực khiến các doanh nghiệp phải tăng vốn trong khi có thể chưa có những dự án đầu tư khả thi.

 

Đứng trước những ý kiến chỉ trích về vấn đề trên, vừa qua, uỷ ban chứng khoán nhà nước cũng đã có những động tác để làm yên lòng các nhà đầu tư. Ông Vũ Bằng, chủ tịch uỷ ban chứng khoán nhà nước cho rằng, tình trạng các công ty liên tục đề nghị tăng vốn đã giảm đi trong thời gian gần đây.

 

Tuy nhiên, theo ông, tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động so với phương án đã nêu trong đề án phát hành, trong bản cáo bạch cũng vẫn đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Và để xử lý vấn đề này, ông cho biết, sắp tới uỷ ban chứng khoán nhà nước sẽ có hướng dẫn cụ thể và xử phạt thích đáng các trường hợp vi phạm.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây