BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Tập trung kiềm chế giá cả thị trường

Thủ tướng chỉ đạo: Thời gian tới áp dụng chính sách tiền tệ, tỉ giá và lãi suất chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, chủ động; thực hiện đồng bộ các biện pháp phát triển ổn định thị trường chứng khoán

Các nhà đầu tư lo âu trước đà sụt giảm của chứng khoán. Ảnh: N.MINH

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 6,02% so với tháng 12-2007 tác động lớn tới đời sống nhân dân là vấn đề được dành nhiều thời gian thảo luận trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2008, diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2.

Tránh gây sốc cho thị trường

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích: Giá cả trên thế giới tăng ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu của nền kinh tế VN. Mặt khác, công tác điều hành chính sách tiền tệ còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với sự biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới. Nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, có thể kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh phân tích: Điều hành thị trường tiền tệ và chứng khoán cần cân nhắc việc bắt buộc các ngân hàng thương mại mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước vào một thời điểm thích hợp, để tránh gây sốc cho thị trường. Ông Ninh cũng đề nghị việc điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng tránh tập trung nhiều biện pháp cùng lúc, ảnh hưởng đến tâm lý chung của nhà đầu tư. Một mặt tiếp tục triển khai cho vay kinh doanh chứng khoán với mức hợp lý theo nguyên tắc bảo đảm an toàn; kiểm soát cho vay đầu tư bất động sản (BĐS) theo hướng tiếp tục cho vay đầu tư BĐS lành mạnh, tạo điều kiện cung hàng hóa, phát triển thị trường BĐS.

Thủ tướng đã chỉ đạo một số trọng tâm công tác tháng 3-2008 và thời gian tới: Tập trung điều hành, kiểm soát kinh tế vĩ mô, kiềm chế giá cả thị trường; áp dụng chính sách tiền tệ, tỉ giá và lãi suất chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt và chủ động; thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định. Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực tài chính, chứng khoán, BĐS.

Hạn chế nhập siêu

Nhập siêu năm 2007 đã lên tới con số kỷ lục 14,12 tỉ USD, bằng 29% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng hơn 2,5 lần so với năm 2006. Đáng lo ngại, chỉ hai tháng đầu năm 2008, nhập siêu đã đạt gần 4,3 tỉ USD, bằng 49,2% kim ngạch xuất khẩu.

“Phải đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh công, nông nghiệp, dịch vụ, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Không có biện pháp nào tốt hơn việc hạn chế nhập siêu, cân bằng cán cân thương mại bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch- Đầu tư cần đưa ra giải pháp cụ thể: Đi đôi với việc thực hiện các giải pháp khuyến khích xuất khẩu, phải nghiên cứu các giải pháp, chính sách, đàm phán với Chính phủ các nước, vùng lãnh thổ mà VN hiện đang nhập siêu lớn để tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Nhà nước không thả nổi giá cả

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 28-2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, Nhà nước không thả nổi giá cả, trong đó có giá xăng dầu. Ông thừa nhận Chính phủ đang bàn các giải pháp kiềm chế tăng CPI, nhưng kiềm chế để tốc độ tăng CPI thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP là bài toán khó. Ông Vũ Văn Ninh khẳng định không sai lầm trong chính sách tiền tệ nhưng còn những hạn chế: “Công tác dự báo chưa sát, như dự báo tín dụng, tổng phương tiện thanh toán chưa tốt và bị động trong đối phó”.

Tính đến phiên giao dịch cùng ngày, chỉ số VN-Index giảm xuống còn 687,85 điểm, ngành tài chính vẫn tập trung vào ba nguyên nhân chính: cung hàng hóa trên thị trường chứng khoán tăng nhanh; thị trường BĐS và vàng hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; tâm lý các nhà đầu tư trước diễn biến thị trường thế giới. Ông Ninh cũng cho biết, Thủ tướng có ý kiến tiếp tục cho vay kinh doanh chứng khoán trong phạm vi các chính sách đã ban hành. “Số tiền còn dư cho vay kinh doanh chứng khoán trong phạm vi cho phép là 9.000 tỉ đồng. Nếu thấy cần thiết và nhu cầu đúng, sẽ xem xét cho vay thêm”- ông Ninh nói.

THÁI AN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây