Thấy gì qua báo cáo khảo sát lương 2013?
- Thứ sáu - 18/10/2013 08:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mercer và Talentnet là những công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự vừa công bố báo cáo khảo sát lương tại Việt Nam 2013.
![]() Dầu khí là ngành ổn định nhất về nhân sự do tính chất đặc thù của ngành
|
Mercer và Talentnet là những công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự vừa công bố báo cáo khảo sát lương tại Việt Nam 2013.
Công bố cho thấy, so với năm ngoái, năm nay mức tăng lương của các ngành nghề đều giảm, nhất là ở những ngành nghề đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: Ngân hàng, tài chính, bất động sản, bảo hiểm.
Giảm đều, tăng “lỏi”
Theo công bố của Mercer và Talentnet, năm 2011, mức tăng lương của các công ty nước ngoài là 12,7%, năm 2012 tụt xuống còn 12,3% thì năm nay chỉ còn ở mức 11,1%. Khối các công ty trong nước còn sụt giảm mạnh hơn, nếu năm 2011 là 15,2% thì năm 2012 là 13,4% và năm 2013 chỉ còn là 11,3%. Bà Hoa Nguyễn - Trưởng bộ phận Khảo sát lương và tư vấn nhân sự của Talentnet nhận định: “Tương tự năm ngoái, tỷ lệ tăng lương vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát. Năm nay, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát tốt hơn, tiết giảm hơn năm ngoái nhưng tỷ lệ tăng lương cũng thấp hơn. Dự báo, tỷ lệ tăng lương vẫn ở mức thấp (11,1% cho cả khối doanh nghiệp trong nước lẫn ngoài nước) trong năm 2014 do kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn”.
"Khảo sát lương do Mercer và Talentnet thực hiện đã thu hút 418 công ty tham gia đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đã thu thập dữ liệu lương thưởng từ 1.572 vị trí của hơn 142.587 nhân viên trên khắp cả nước. Kết quả khảo sát này được xem là báo cáo lương, thưởng lớn nhất và chi tiết nhất tại Việt Nam. Năm 2013 cũng là năm đầu tiên các công ty trong lĩnh vực công nghệ tham gia khảo sát đông đảo nhất cho thấy sự chuyển hướng đầu tư và tập trung về nhân sự của lĩnh vực này bên cạnh việc mở rộng kinh doanh trong những năm gần đây”.
Bà Hoa Nguyễn
Trưởng bộ phận Khảo sát lương và tư vấn nhân sự Talentnet
|
Phân tích về vấn đề tăng lương trong bối cảnh khó khăn này, đại diện một số doanh nghiệp đến tham dự lễ công bố cho biết, do chi phí giá cả đều tăng, không thể không tăng lương để giữ chân người lao động, ổn định nhân sự, nhưng cũng vì sự trường tồn của doanh nghiệp, mức tăng cũng không thể cao như năm trước.
Những ngành nghề đang có tốc độ sản xuất, kinh doanh tăng trưởng thấp như: Bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính... cũng là những ngành nghề có tỷ lệ tăng lương thấp nhất. Như lĩnh vực ngân hàng, năm 2012 tỷ lệ tăng lương vẫn ở mức 11,4% nay chỉ còn 8,7%, bất động sản từ mức 10,1% nay chỉ còn 8,8%... Nói như TS. kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì: “Để từng bước giải quyết nợ xấu, nhiều ngân hàng đã tích cực thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, trong đó nhiều ngân hàng đã giảm từ 20 - 50% chi phí tiền lương. Việc hàng loạt ngân hàng lớn, công ty bất động sản trong nước thời gian qua thực hiện việc giảm lương, giảm số lượng nhân viên khắc họa phần nào những khó khăn của nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng, bất động sản nói riêng”.
Dược phẩm, sản xuất và hàng tiêu dùng là 3 lĩnh vực vẫn duy trì được tỷ lệ tăng lương cao nhất trong hai năm qua với tỷ lệ tăng lương là 12% theo kết quả khảo sát của Mercer và Talentnet. Dự báo năm 2014, tỷ lệ tăng lương của ngành Dược phẩm sẽ tăng lên mức 12,6%. Điều đó phản ánh thực trạng những ngành nghề trực tiếp phục vụ nhu cầu đời sống thường nhật vẫn tiếp tục tồn tại tốt trong giai đoạn kinh tế khó khăn nay.
Khắt khe hơn khi tuyển dụng
Bà Hoa Nguyễn - Trưởng bộ phận khảo sát lương và Tư vấn nhân sự Talentnet cho biết, năm 2013, tình hình kinh tế thay đổi khiến cả chủ doanh nghiệp và người lao động thận trọng hơn trong vấn đề tuyển dụng mới và thay đổi công việc. Vì vậy, xét về mặt bằng chung tỷ lệ nghỉ việc năm nay có giảm khoảng 2 -3 % so với năm ngoái trong tất cả các ngành nghề. Tỷ lệ nghỉ việc cao nhất trong hai năm gần đây là ngành Công nghệ cao do bởi được đánh giá là một ngành “đang lên”, thiếu hụt những nhân sự giỏi và có kỹ năng chuyên môn cao vì vậy dẫn đến những biến động về nhân sự trong những năm gần đây. Và tương tự như năm trước, sự ổn định nhân sự nhất vẫn ở ngành Dầu khí với tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất trong toàn thị trường là 6,3% do tính chất đặc thù về nhân sự và ổn định của ngành.
Một điểm đáng lưu ý là năm nay, các công ty nước ngoài có tỷ lệ nghỉ việc ít hơn so với khu vực công ty trong nước, có lẽ do các công ty nước ngoài giữ được ổn định mức thu nhập cho người lao động hơn. Tình hình kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi một cách chậm rãi ảnh hưởng đến sự mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn có 60% doanh nghiệp quyết định tuyển thêm nhân viên. Chỉ có 3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ cắt giảm nhân sự.
Trưởng phòng kinh doanh, chuyên viên kinh doanh và trưởng phòng tiếp thị vẫn là các công việc được săn đón nhiều nhất, nằm trong nhóm 3 công việc các công ty khó tuyển dụng và giữ nhân tài nhất trong các năm qua. “Kinh tế khó khăn, vị trí trưởng phòng kinh doanh ngày càng quan trọng hơn vì đây là công việc mang đến doanh thu trực tiếp cho công ty” - anh Trần Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Trần Lâm (Hà Nội) cho biết.