Thế giới chuẩn bị đón giá dầu 120 USD/thùng
- Thứ hai - 21/04/2008 15:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Tại một kho dự trữ dầu ở bang Texas, Mỹ. Ảnh Reuters.
|
Dầu mỏ tăng - kinh tế đạt đỉnh
"Trong nhiều năm, chúng ta đã nói kỷ nguyên của dầu mỏ giá rẻ đã hết. Không ai trong chúng ta nghĩ giá dầu có thể lên tới 115 USD/thùng nhanh như vậy, nên rất có thể nó sẽ lên tới 120 USD/thùng trong tuần này" - ông Shokri Ghanem, Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ quốc gia của Libi, nói ngay trước Diễn đàn Năng lượng Quốc tế tại Rome (Italia). Theo ông Ghanem, kinh tế thế giới "không thể đạt đến đỉnh cao nhất khi không thể chấp nhận được mức giá dầu mỏ cao hơn".
Giá dầu mỏ đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua, và tuần vừa rồi liên tục lập "kỷ lục mọi thời đại" mới 114-115-117USSD/thùng. Trong khi đó, các nước thành viên OPEC luôn kiên định với lập trường rằng lượng dầu cung cấp trên thị trường thế giới vẫn đủ và giá dầu tăng là do "tài" suy đoán của giới kinh doanh và đồng USD yếu. "OPEC không định giá dầu mỏ, đó là do thị trường" - Ghanem nói, "Chúng tôi nghĩ nguồn cung thế là đủ".
Khách hàng không đòi hỏi có thêm dầu, Bộ trưởng Dầu mỏ Cata Abdullah bin Hamad al-Attiyah khẳng định khi đặt chân đến Roma, và cũng đổ lỗi cho đồng USD mất giá. Đồng tiền Mỹ đã mất giá tới 8,3% so với đồng euro vào hôm 17/4 - mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngay trước đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmedinejad của Iran đã bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, mặt hàng vô cùng quan trọng này sẽ đạt tới "giá trị thực" của nó.
Các thành viên OPEC cứ phân tích mà không cần dẫn lời các nhà phân tích dầu mỏ thế giới đưa ra rằng giá dầu cao chủ yếu là do hoạt động đầu cơ với số lượng lớn trên thị trường hàng hóa chứ không phải đồng USD yếu là lý do duy nhất.
Trong tháng 3/08, đồng USD tiếp tục giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác bao gồm đồng euro, đồng yên Nhật, đồng bảng Anh và đồng franc Thụy Sĩ. Do đó, một số chuyên gia cho rằng chỉ khi nào đà giảm giá đồng USD chấm dứt thì giá dầu thô thế giới mới thực sự theo xu hướng giảm giá. Một số khác lại cho rằng các nhân tố khác ngoài việc đồng USD yếu cũng góp đẩy giá dầu leo thang phi mã.
Dầu mỏ - một bình phong
Bộ trưởng Dầu mỏ Ali al-Naimi của Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và là thành viên có ảnh hưởng lớn nhất của OPEC, cho rằng giá dầu mỏ tăng cao hoàn toàn không liên quan đến nguồn cung và những nhu cầu cơ bản, mà là do các nhà đầu tư dùng dầu mỏ như một bình phong để chống lại tình trạng mất giá của các đồng tiền.
Ông Naimi khẳng định cho dù bị các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ thúc ép "bơm" thêm, Saudi Arabia vẫn không có kế hoạch tăng sản lượng với lập luận nỗ lực này không thể giúp kiềm chế giá. Việc tăng thêm nguồn cung không cần thiết có thể nhấn chìm thị trường dầu mỏ trong cơn lũ dầu không đáng có. Ông này cũng cho rằng rất có khả năng, động tháu gây áp lực để tăng buộc OPEC tăng sản lượng dầu "mang động cơ chính trị".
Iran cũng đã khước từ lời kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu mỏ đòi OPEC hành động nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá dầu. Theo Bộ trưởng Dầu mỏ Ahmedinejad, sự rớt giá mạnh của đồng USD là một nhân tố ẩn đằng sau sự gia tăng của giá dầu. Ông nói: "Đồng USD không còn là một đồng tiền đúng nghĩa nữa, nó được lưu hành trên thế giới mà không có sự hỗ trợ của bất kỳ hàng hoá nao". Hồi cuối năm 2007, Iran đã tuyên bố nước này sẽ ngừng các hoạt động giao dịch dầu mỏ bằng đồng USD.
Iran -nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới- đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào đồng USD vào năm 2007, trước việc Mỹ gây sức ép lên hệ thống tài chính và "ghẻ lạnh" đối với chương trình hạt nhân của Têhêran.
Báo cáo mới nhất của OPEC cho rằng nhu cầu dầu mỏ từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ giảm nhẹ, trong khi nhu cầu từ các nước ngoài OECD, bao gồm các nước ở châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh, vẫn mạnh, dẫn đến tốc độ tăng nhu cầu dầu thô toàn cầu.
Hạn ngạch sản lượng OPEC năm 2008 sẽ dưới 32 triệu thùng/ngày và sản lượng của các nước ngoài OPEC sẽ vào khoảng 50,3 triệu thùng/ngày. Mặc dù sản xuất thực tế của OPEC sẽ cao hơn hạn ngạch, song các nhà phân tích vẫn không mấy lạc quan về tình trạng thiếu cân bằng cung cầu trên thị trường thế giới.
Việt Hà (Tổng hợp Bloomberg, AFP)