BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế: Tích tụ nguồn lực

Ngày 20-11, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã sơ kết thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế (TĐKT) theo Nghị quyết TƯ 3 và Nghị quyết TƯ 9 (khóa IX) về hình thành một số TĐKT mạnh do Tổng công ty nhà nước làm nòng cốt, có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư của nước ngoài.

Chuyển sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế, sản lượng khai thác của TKV tăng bình quân 11,5%/năm.

Theo đó, từ năm 2005-2007, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển đổi và tổ chức lại 4 Tổng công ty 91 thuộc Bộ Công thương sang hoạt động thí điểm theo mô hình tập đoàn, gồm: Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), Dầu khí Việt Nam (PVN), Điện lực Việt Nam (EVN) và Dệt may Việt Nam (Vinatex).

Phát huy năng lực quản lý, hoạch định chiến lược

Trước hết, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Tổng giám đốc (BTGĐ) của mô hình tập đoàn đã được phân định rõ ràng hơn mô hình Tổng công ty trước đây. Kèm theo đó là cơ chế tài chính mới đã phát huy năng lực quản lý, hoạch định chiến lược, kiểm tra, giám sát, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm của HĐQT và BTGĐ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tập đoàn trong huy động vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát hành trái phiếu, hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài và thu hút đầu tư.

Kết quả, kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình TĐKT, sản lượng than khai thác của TKV tăng bình quân 11,5%/năm; doanh thu tăng 25%/năm; lợi nhuận tăng 7%/năm; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 33,6%; vốn chủ sở hữu tăng gấp 2,4 lần; cơ cấu doanh thu giữa các ngành nghề khác so với ngành than đạt tỷ trọng 37%/63%. Với tiềm lực kinh tế mạnh, vai trò tích tụ và điều hòa các nguồn lực, TKV đã đầu tư những dự án lớn mà các công ty con không đủ khả năng thực hiện, như mở các mỏ than hầm lò mới ở Quảng Ninh, các dự án Alumin, các dự án nhà máy nhiệt điện, dự án thăm dò, khai thác than đồng bằng sông Hồng…

Với Tập đoàn Dầu khí quốc gia, quan hệ giữa tập đoàn với đơn vị thành viên không còn mang tính hành chính. Cùng với quy định 50% lợi nhuận thuế từ XN liên doanh dầu khí Việt-Xô được để lại sử dụng vào mục đích đầu tư, toàn bộ số tiền từ cổ phần hóa các doanh nghiệp đã đáp ứng được những yêu cầu do tính chất đặc thù của hoạt động khai thác dầu mỏ có lợi nhuận cao nhưng cũng đòi hỏi đầu tư lớn và chịu rủi ro không nhỏ, đặc biệt là khâu tìm kiếm và thăm dò. Từ tháng 8-2006 đến nay, doanh thu của PVN đạt gần 180.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 74.000 tỷ đồng.

EVN tiếp tục làm chủ đầu tư nhiều công trình nguồn và lưới điện đồng bộ; riêng năm 2007, đầu tư gần 28.000 tỷ đồng. EVN đang triển khai xây dựng 24 nhà máy điện có tổng công suất trên 8.500MW với tổng vốn đầu tư 129.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, EVN đảm nhận đưa điện về nông thôn. Đến nay, lưới điện quốc gia đã đến toàn bộ 63 tỉnh, thành phố với 100% số huyện có điện; 97% số xã và 93% số hộ dân nông thôn có điện cho sản xuất và sinh hoạt, vượt 3% so với chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển ngành điện giai đoạn 2014 - 2010.

Vinatex luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng. Chỉ riêng năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 114%; doanh thu tăng 117%, trong đó, xuất khẩu tăng 118%, sản phẩm sợi tăng 112%…

Giữ vững vai trò trụ cột và bình ổn giá

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các TĐKT đã thực hiện vai trò nòng cốt bình ổn giá cả, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Theo đó, PVN giữ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như: phân đạm, khí hóa lỏng, điện. Với nguồn thu chiếm 25-30% ngân sách việc chi phối ngành dầu khí đã góp phần quan trọng để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

TKV bảo đảm cung ứng đủ than cho nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện, xi măng, thép, phân bón, giấy và các nhu cầu khác. Mặc dù giá bán than trong nước còn thấp hơn giá thành sản xuất nhưng TKV vẫn nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Chính phủ chưa tăng giá bán cho một số ngành quan trọng để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Còn EVN vẫn thực hiện bù lỗ cho điện nông thôn bình quân mỗi năm 5.000 tỷ đồng, do suất vốn đầu tư bình quân cho một hộ là 9,6 triệu đồng, cao nhất là 21 triệu đồng/hộ, trong khi giá bán điện cho hộ dân nông thôn chỉ 550đ/kWh thấp hơn 289đ/kWh so với giá thành sản xuất.

Vinatex vẫn là đơn vị trọng yếu trong ngành dệt may, với 18% doanh thu xuất khẩu toàn ngành, trong đó nhiều loại mặt hàng chiếm tỷ trọng cao như: sợi, vải chiếm trên 30%, bông trên 90%. Đặc biệt, tỷ trọng những mặt hàng cao cấp của dệt may Việt Nam chủ yếu do Vinatex nắm giữ. Hiện Vinatex chỉ nắm khoảng 7% lực lượng lao động, nhưng doanh thu chiếm tới 18%, năng suất lao động cao hơn mặt bằng chung của ngành trên 2 lần. Đặc biệt, Vinatex luôn đóng vai trò chủ động trong thương lượng, đàm thoại với các đối tác, tổ chức trên thế giới, nhất là với sự giám sát của thị trường Mỹ và EU.

Những hạn chế

Theo đánh giá của Bộ Công thương, do chưa có cơ chế, chính sách và mô hình cụ thể và sự hình thành các TĐKT ở Việt Nam là chuyển đổi từ tổng công ty 91 nên trong một số lĩnh vực cụ thể, hoạt động của tập đoàn còn mang tính độc quyền, chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, việc mở rộng đa ngành, đa nghề ra nhiều lĩnh vực đã phần nào làm giảm năng lực và sự tập trung nguồn lực vào lĩnh vực chính. Mặc dù đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên nhưng vẫn còn tình trạng ỷ lại vào sự điều hành, phân công thị trường, bảo hộ thị trường của tập đoàn. Còn nhiều cán bộ, viên chức bộ máy tập đoàn có tư tưởng quản lý, điều hành các công ty con theo mô hình tổng công ty trước đây…

Tuy nhiên, để khuyến khích mô hình TĐKT phát triển, cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính về cạnh tranh, đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, thuế, tài chính, ngân hàng, sáp nhập và mua lại theo hướng thống nhất.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây