BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Thị trường 2007 và những cuộc đấu trí

Năm 2007 là một năm điều chỉnh trong chặng đường dài của TTCK. Cuối năm 2006, đầu năm 2007 được coi là thời điểm phát triển nhảy vọt xét ở chỉ số CK, đi kèm với nó là những lo ngại về một thị trường “bong bóng”. Năm 2007 là một cuộc đấu liên tục giữa các lực lượng tham gia thị trường.
 

Lúc thị trường tăng mạnh hoặc xì hơi là những lúc NĐT đấu trí. Ảnh: Cao Thăng

Sự kiện tháng 4, 8 và 12

Diễn biến năm 2007 cho thấy điểm tốt là sự tương đối cân bằng của cung và cầu, hay nói rộng ra là sự điều chỉnh phù hợp giữa giá cả và giá trị. Một bộ phận lớn các NĐT vẫn chịu sự chi phối bởi những yếu tố tâm lý đám đông thái quá, dẫn tới mất niềm tin, do vậy ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhận định lạc quan khi có thông tin tốt.

Nói tới thị trường năm 2007, không thể không nhắc tới những đợt điều chỉnh giảm kéo dài vào các tháng 4, 8 và 12. Nếu nhìn nhận về nguyên nhân của từng đợt điều chỉnh, chúng ta sẽ có một cái nhìn khách quan hơn. Sự điều chỉnh của tháng 4 được coi là sự điều chỉnh của nỗi sợ hãi. Nói cách khác, sau sự tăng trưởng chóng mặt của VN Index cuối năm 2006, đầu năm 2007, những lời đồn đoán về một thị trường bong bóng xuất hiện.

Khi thị trường càng tăng, lợi nhuận càng nhiều thì bản thân những NĐT thắng đậm cũng không khỏi ngạc nhiên vì tiền từ trên trời rơi xuống. Hầu hết đều tin rằng DN không thể làm ăn tốt đến vậy nếu nhìn vào tốc độ tăng giá CP. Và quả bong bong bắt đầu xì hơi khi người ta không thể chịu đựng thêm được nỗi sợ hãi. Bán tháo CP và xu hướng đầu tư vào thị trường BĐS là những động thái cuối cùng cho một đợt điều chỉnh diễn ra.

Sự điều chỉnh của tháng 8 được coi là sự điều chỉnh của chính sách, khi mà Chỉ thị 03 đã ngay lập tức ngăn cản “những cái đầu nóng” trước những ý định mạo hiểm. Cổ vũ cho sự điều chỉnh này là sự mở rộng mức cung CK với những CP có thương hiệu tốt như Bảo Việt, và những bình luận không mấy lạc quan về thị trường của các chuyên gia phân tích nước ngoài.

Sự điều chỉnh của tháng 12 có thể coi là sự điều chỉnh của cung quá nhiều với hàng loạt các công ty niêm yết phát hành thêm, đặc biệt là hiệu ứng dư thừa của một thương hiệu nổi bật là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Thêm vào đó, mặc dù đã có những sự điều chỉnh từ trước, nhưng hiệu ứng chính sách của Chỉ thị 03 dường như vẫn còn nguyên tác động. Và tác động này có thể sẽ còn tiếp tục, có thể không tạo thành cú sốc nhưng chắc chắn sẽ là một rào cản.

Đột phá trong năm 2008

Sau mỗi lần điều chỉnh, đâu là nguyên nhân dẫn tới những sự phục hồi? Có thể có nhiều quan điểm, nhưng phải nhìn nhận rằng mức ± 900 điểm là mức hỗ trợ mạnh. Nó thể hiện sự cân bằng giữa cung - cầu và cần một cú hích cho sự đột phá.

Nếu để ý, thì những sự hồi phục đều rất gần với thời kỳ tổng kết của mỗi một quý kinh doanh, khi mà các công ty niêm yết công bố kết quả kinh doanh của mình. Như vậy, có cơ sở để tin rằng trong điều kiện thị trường dao động cân bằng, thì kết quả kinh doanh giống như một liều thuốc xúc tác kéo thị trường đi lên.

Đặc điểm đáng chú ý của thị trường trong năm 2007 là gì? Đó là một thị trường của những cuộc đấu trí. Và khi sự biến động (hay rủi ro cao) của thị trường làm cho nhiều NĐT “yếu bóng vía” ngay lập tức nghĩ đến việc “chạy” khi mới chỉ thoáng thấy dấu hiệu bất lợi của thị trường, thay vì kiên định với những phân tích trước khi mua. Có thể nói, tâm lý sợ hãi và tâm lý đám đông quá mạnh đã làm cho những phân tích cơ bản trở thành vô nghĩa. Dù vậy, đây không phải là điều xấu, bởi tài chính luôn là một phần quan trọng của thị trường.

Theo nghiên cứu, sự điều chỉnh trong cả năm 2007 cho thấy giá cả đang nằm rất gần với giá trị. Do vậy với một nền kinh tế tăng trưởng cao và các yếu tố vĩ mô tốt, không có lý do gì để chúng ta bỏ lỡ cơ hội. Nghiên cứu của CTCK Thăng Long tin rằng quý I-2008 sẽ là giai đoạn quan trọng cho một sự đột phá mới.

Quách Mạnh Hào
Giám đốc khối phân tích đầu tư CTCK Thăng Long
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây