Thị trường chứng khoán đang cần một "cú hích" từ chính phủ
- Thứ tư - 09/01/2008 09:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thế là ngưỡng 900 điểm đã bị "chọc thủng" ngay phiên đầu tuần, phiên thứ hai VNI dù có được cải thiện cũng không trèo lại được 900. NĐT nhỏ chết điếng. Diễn đàn mạng xuất hiện topic "Ai cứu thị trường chứng khoán VN?".
|
Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại Cty CPCK Bảo Việt. |
"Tử thủ" hay tháo chạy?
Đây là câu hỏi luôn thường trực của nhiều NĐT trong suốt những phiên đầu năm ảm đạm. VNI luôn ở trong thế chực lao xuống ngưỡng 900 phản ánh đúng tâm trạng giằng co của các NĐT hiện nay.
Tại cuộc gặp mặt đầu năm của CLB CK Vàng, mọi người khẳng định trên 90% các NĐT đã lỗ. Khỏi phải nói đến tình cảnh hiện nay của nhiều NĐT nhỏ, lẻ. Mất tự chủ, chết điếng, đau không nói lên lời. Có người kêu: "Lỗ không sao, thị trường chết dí thế này mới tệ".
Anh Tuấn đã kiếm lời khá nhiều trong năm qua nói "Kinh doanh CK thế này thì trăm cái đấm (lãi) không bằng một cái đạp (lỗ)". Mọi người ngán ngẩm với tình cảnh ngập lụt nguồn CP cung.
Một NĐT nói: "Lượng cung ồ ạt thế này thị trường "tèo" là đúng rồi. Bà con mình đâu có máy in tiền ra để mua. Bây giờ DN làm ăn lãi đâu bằng phát hành CP nên họ cứ đua nhau phát hành tăng vốn lấy tiền của NĐT về để đầu tư tài chính là chủ yếu, chứ chả làm ăn gì".
Có người than thở: "Riêng tháng 1 này NĐT phải lo ít nhất 25.000 tỉ cho IPO VCB, Sabeco, Habeco. Nếu tính cả các Cty niêm yết và OTC thì lên đến hơn 40.000 tỉ. NĐT có nuốt nổi không? Nuốt được thì cũng phải mất vài tháng mới hoàn hồn và hồi tiền, thế thì ít nhất phải 6 tháng nữa thị trường mới ấm lại".
Những người nhanh chân (rất ít) đã rút gần hết ra khỏi thị trường thì đang "rình đáy" để mua vào. NĐT loại này không quá sốt ruột. Phương châm của họ là lên thì bán, xuống thì mua. Còn lại đa số NĐT đang mắc kẹt, bán ra thì quá lỗ, muốn bỏ chạy không nổi buộc ở trong tình thế một liều, ba, bẩy cũng liều "tử thủ" với thị trường.
Không còn trông chờ vào NĐTNN
Không còn mấy hy vọng vào vai "cứu giá" của NĐTNN như trước đây, hình như đã đến lúc mọi người đã nhận rõ hơn hành động của NĐTNN. Một NĐT nói: "Bản thân trên thị trường hiện nay 97% các Cty niêm yết, OTC thừa room ê hề và giá rẻ, sao NĐTNN vẫn không mua? Các CP hết room như STB, REE thì họ lại đang chăm chăm bán ra khối lượng lớn. Bên cạnh đó họ còn bán cật lực TNC, TAC, KDC, CAN...
Đơn giản vì DN VN không tiềm năng, không minh bạch hoặc đã quá đắt. Những Cty họ cho là tốt và muốn mua thì họ có thể mua rẻ hơn giá trên sàn thông qua vai trò cổ đông chiến lược.
Chỉ cần mang danh quỹ X, Y gì đó là họ được các Cty niêm yếu và OTC chào phát hành riêng lẻ lô lớn, giá rẻ hấp dẫn hơn giá trên sàn. Việc gì phải lên sàn mua cho đắt và mất thời gian, dù dân đầu cơ VN muốn họ đổ tiền lên sàn tăng giá CP.
Họ phát minh ra "cái trò" CK này cách đây 300 năm cơ mà. Hãy nhìn giao dịch của NĐTNN 6 tháng qua sẽ thấy tiền họ đổ vào đâu. Giảm mua trên sàn nhưng liên tục ký các hợp đồng cổ đông chiến lược và mua khối lượng lớn CP thông qua chào bán riêng lẻ với giá rẻ hơn trên sàn 20-40%".
Người thì cho rằng, NĐTNN đã rút kinh nghiệm từ đầu năm 2007: Khi thị trường nóng thì NĐTNN đấu giá toàn thua nên nay họ hành động với mục đích không để thị trường niêm yết nóng để mua được CP IPO. Khi mua hết VCB, ICB, MobiFone, Sabeco, Habeco... giải ngân xong, lúc đó NĐTNN mới nhảy vào sàn niêm yết.
Mong Chính phủ kích cầu
Hai phiên đầu tuần tuy tiếp tục tạo ra xu thế tháo chạy, nhưng cũng nhen nhóm hy vọng thị trường đang trong giai đoạn bước sóng cuối của xu hướng giảm trước một đợt tăng mới. Tuy nhiên, chưa có tín hiệu nào rõ ràng về sức cầu ngoài phỏng đoán (mang hy vọng) về nguồn tiền của những người kinh doanh vàng (vừa bán ra), kiều hối về trong dịp Tết... bất ngờ đổ ập vào thị trường.
Tâm lý chung của các NĐT hiện nay là mong vài phiên "xanh sàn" để xả hàng. Phiên hôm qua (8.1) tuy VNI có lên 6,6 điểm, nhưng một số người nhận định là nhiều khả năng chỉ là hiện tượng bull-trap (bẫy phục hồi) một, hai phiên.
Trên sàn một CTCK ở HN có khoảng trên 100 NĐT tham gia, thì theo quan sát, chỉ trên dưới 10 người đặt lệnh, còn lại là ngồi tán gẫu. Với tư thế đám đông này, cũng chưa thể biết còn ngưỡng nào TTCK có thể xác lập.
Vẫn có tâm lý lo ngại thị trường sẽ xuống 850 điểm hoặc hơn nữa. Nhiều người nói nếu sát ngưỡng 800 sẽ có một cuộc tháo chạy lớn. Trong những ngày qua, nhiều NĐT lên tiếng trên các diễn đàn mạng mong chờ Chính phủ sớm thực hiện các biện pháp kích cầu.
Nhiều người tin là Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu và cân nhắc các giải pháp về điều chỉnh tỉ lệ 3%, nâng room, mở rộng các quỹ đầu tư...
Tác động thực sự của tỉ lệ 3% đối với TTCK đến đâu còn là vấn đề cần phân tích, nhưng điều chắc chắn là nếu được điều chỉnh, thông tin này sẽ giải toả một phần tâm lý áp lực về vốn. Nhiều NH và NĐT mong NHNN sớm có quyết định điều chỉnh tỉ lệ 3% để hỗ trợ thị trường.