BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố cắt giảm 0,75% lãi suất, mức cắt giảm cao nhất trong 25 năm qua, thị trường chứng khoán tại Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục chút đỉnh vào cuối ngày 22.1 nhưng vẫn chưa bù lại được số điểm đã mất vào đầu ngày, theo AFP.

Các nhà đầu tư Ấn Độ tại một sàn giao dịch ở Mumbai - Ảnh: AFP

Tiếp đó, nhiều chỉ số tại châu Á đã tăng trở lại trong ngày giao dịch 23.1. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 10,7%, mức tăng kỷ lục trong 10 năm qua, đạt 24.090,17 điểm, "lấy lại" gần như toàn bộ số điểm đã mất trong hai ngày trước đó. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 2%, đóng cửa ở mức 12.829,06 điểm sau khi đã rớt 9,3% trong hai ngày trước. Tại Ấn Độ, sau khi mất 12% trong ngày 21 và 22.1, chỉ số Sensex tăng 5,7% vào hôm qua. Chỉ số Thượng Hải của Trung Quốc tăng 3,1%, bù được 1/3 những gì đã mất trong tuần này. Chỉ số tại Úc cũng hồi phục được 4,4%. Đây được xem là phản ứng tức thì sau khi FED công bố cắt giảm lãi suất tới 0,75%. Việc cắt giảm này được chờ đợi sẽ mang lại không khí sôi động trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng như sẽ giúp giải tỏa phần nào khó khăn trên thị trường tín dụng địa ốc, từ đó nền kinh tế Mỹ có cơ may tránh được suy thoái và đi lên. Xuất phát từ niềm tin tích cực này, giới đầu tư ở châu Á đã mua vào nhiều hơn, khiến thị trường hồi phục trở lại.

Trong khi đó, trong buổi sáng hôm qua tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1%, CAC 40 của Pháp giảm 0,9% và DAX của Đức giảm 0,7%. Nguyên nhân là do chưa có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng trung ương ở khu vực này sẽ theo bước Mỹ trong việc cắt giảm lãi suất.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây