Thị trường đang được đỡ giá?
- Thứ hai - 25/02/2008 09:36
- In ra
- Đóng cửa sổ này
.jpg)
Dù vậy, một số diễn biến giờ chót cũng hé lộ một chút hi vọng.
Thông điệp của "đại gia"
Hành động đỡ giá của các tổ chức đã thực sự diễn ra trong phiên giao dịch ngày 22.2 vì chỉ có những nguồn tiền lớn mới đủ sức chặn đà tháo chạy trong hoảng loạn của đa số NĐT, cả cá nhân lẫn tự doanh của nhiều CTCK.
Hai mã được phát tín hiệu rất rõ ràng là DPM và STB. Không phải ngẫu nhiên hai mã này được lựa chọn vì đây là những Cty có giá trị vốn hoá thị trường lớn nhất, có tác động mạnh nhất đến VN-Index.
Ngăn đà giảm trên 30 điểm mỗi phiên có thể tạo sự trấn tĩnh nhất định, đặc biệt khi thời điểm là phiên cuối cùng của tuần và hiệu ứng này sẽ được "ngấm" tốt hơn trong 2 ngày nghỉ.
Đợt giao dịch mở cửa ngày cuối tuần (22.2), làn sóng bán tháo vẫn dâng lên mạnh mẽ và hầu hết các mã đều rơi xuống mức sàn. Không ai nghĩ đến khả năng thị trường sẽ phục hồi chút ít vào đợt đóng cửa cho đến khi tương quan cung cầu ở một số mã chủ chốt có diễn biến đảo ngược.
Quan sát giao dịch với DPM và STB cho thấy ngay từ đầu đợt khớp lệnh liên tục đã xuất hiện những lệnh mua lớn được nạp vào hệ thống và tới khoảng giữa đợt này thì sức mua tăng lên rất nhanh.
Với DPM, nhật ký khớp lệnh cho thấy tổng cộng 24 lần giao dịch với khối lượng từ 10.000-19.000 CP được thực hiện chỉ trong 30 phút đầu tiên. Trong vòng khoảng 45 phút của đợt khớp lệnh liên tục, lượng cung giá sàn của DPM được hấp thụ hết và giá kéo trở lại mức 56.500đ/CP, bằng với giá tham chiếu. Mức giá đỉnh của DPM trong phiên là 57.000đ/CP, đạt được ngay trước giờ chuyển sang khớp lệnh định kỳ đóng cửa với khối lượng giao dịch 1.000 CP.
Cuộc chiến cung cầu tại STB có phần gay cấn hơn do lượng bán quá lớn. Trên 2 triệu STB được đặt bán sàn còn dư sau đợt khớp lệnh mở cửa được tiêu thụ khá chật vật. Tuy nhiên lệnh mua với STB có khối lượng thậm chí còn lớn hơn nhiều với DPM. Các giao dịch khối lượng lớn đều từ 15.000 CP/lần trở lên. Đặc biệt ngay lần khớp đầu tiên của đợt hai, khối lượng giao dịch đã là 123.940 CP.
Theo nhật ký khớp lệnh của STB, mãi đến lúc chỉ còn 8 phút nữa là kết thúc đợt giao dịch liên tục, khối lượng bán giá sàn (51.000đ/CP) mới được giải quyết xong và giá được đẩy lên 51.500đ/CP và 52.000đ/CP.
Trong 10 phút cuối cùng của đợt này, chỉ có 2 lệnh lớn với khối lượng 10.000 CP và 19.000 CP khớp giá 52.500đ/CP. Bên bán được khích lệ tinh thần và khối lượng bán sàn không còn quá lớn. STB đóng cửa mức 53.000đ/CP với khối lượng gần 560.000 CP chuyển nhượng và dư bán giá này chỉ còn vài chục lô.
Liệu pháp tinh thần có tác dụng?
Như vậy lực mua đỡ giá với STB và DPM đã tạo nên một phiên giao dịch đầy sức mạnh của 2 mã này khi giá đóng cửa cao hơn nhiều so với giá mở cửa. Khối lượng khớp lệnh cũng thuộc loại kỷ lục: STB đạt 2,9 triệu CP, cao nhất trong vòng 4 tháng gần đây; DPM đạt 1,92 triệu CP, xấp xỉ mức cao nhất kể từ khi chào sàn ngày 5.11.2007.
Hành động thu gom đỡ giá của các nguồn tiền mạnh trong thời điểm thị trường cực kỳ ảm đạm có thể được diễn giải tích cực. Đặc biệt với nhóm CP NH, trong đó có STB sàn TPHCM và ACB sàn Hà Nội.
ACB thậm chí còn có một ngày giao dịch hoành tráng hơn cả STB: khối lượng đạt 974.400 CP, lớn chưa từng có trong lịch sử giao dịch của CP này; giá có lúc từ mức sàn được đẩy lên kịch trần.
Những diễn biến giá và khối lượng bất thường như vậy trong hoàn cảnh này chỉ có thể được thực hiện bởi các NĐT chuyên nghiệp. Chỉ có nguồn tiền lớn của họ mới hấp thụ nổi lượng cung sàn ồ ạt như mấy ngày vừa qua.
Hành động đỡ giá thường đi kèm với các thông tin lạc quan nào đó mà mới nhất là việc ngày 20.2, Văn phòng Chính phủ đã có công văn cho phép Morgan Stanley Internationl Holdings Inc (MSIHI) thanh toán tiền mua cổ phần của Cty Tài chính dầu khí (PVFC) bằng đôla Mỹ (USD).
Tin tức này đánh trúng sự quan tâm của giới đầu tư khi là một trong những giải pháp "cả gói" mà UBCKNN kiến nghị lên Chính phủ nhằm vực dậy thị trường. Mặc dù điều này không đồng nghĩa với việc sẽ ngay lập tức cho phép mua CP bằng ngoại tệ, nhưng rõ ràng đã tạo ra tiền lệ tốt.
Tuy nhiên, thông điệp được phát đi từ các tổ chức có vực dậy được tinh thần của thị trường hay không lại là chuyện khác. Diễn biến giảm sàn liên tục nhiều phiên chứng tỏ đa số NĐT không chịu nổi nữa và quá bi quan về thị trường, mong muốn chạy càng sớm càng tốt.
Làn sóng đó không thể bị ngăn cản một sớm một chiều mà thực tế là ngoài những mã được đỡ giá, đa số blue-chips còn lại vẫn trong cảnh "nằm" sàn.