BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Thoái vốn và chuyện "Bỏ thì thương, vương thì tội"

Việc thoái vốn có thể ngay lập tức tạo nên những khoản lỗ đối với các doanh nghiệp, và rất có thể, trách nhiệm sẽ được quy cho Ban điều hành, HĐQT của doanh nghiệp đó.
Thoái vốn và chuyện "Bỏ thì thương, vương thì tội"

Việc thoái vốn có thể ngay lập tức tạo nên những khoản lỗ đối với các doanh nghiệp, và rất có thể, trách nhiệm sẽ được quy cho Ban điều hành, HĐQT của doanh nghiệp đó.

Từ mấy năm nay, vấn đề đầu tư ngoài ngành và thoái vốn khỏi những khoản đầu tư đó luôn nhận được sự quan tâm của Nhà đầu tư cũng như các cấp quản lý các doanh nghiệp Nhà nước. 

Những con sóng chứng khoán qua đi, những khoản đầu tư ngoài ngành không còn dễ dàng cho quả ngọt như trước, thậm chí mang lại không ít quả đắng. Tuy vậy, việc thoái vốn hoàn toàn không đơn giản, vì quá nhiều vướng mắc mà gần đây Bộ Tài chính muốn "gỡ" cũng chỉ mới "gỡ" được một nửa. 

Chấp nhận thoái vốn dưới mệnh giá
 
Theo quy định, cho đến hết năm 2015, toàn bộ các doanh nghiệp Nhà nước đều nhận được "trát" yêu cầu thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành nhằm lành mạnh tài chính, giảm thiểu rủi ro.
 
Trong vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trước đến nay vẫn có một ràng buộc trong quy định về bảo toàn vốn Nhà nước. Gì thì gì, khi mang vốn Nhà nước đi đầu tư, không mang lại lợi nhuận là đã khó chấp nhận rồi, việc để thất thoát là điều vô cùng tối kỵ. 
 
Thế mà người ta vẫn cứ thua lỗ. Bỏ thì thương, vương thì tội. Việc thoái vốn có thể ngay lập tức tạo nên những khoản lỗ đối với các doanh nghiệp, và rất có thể, trách nhiệm sẽ được quy cho Ban điều hành, HĐQT của doanh nghiệp đó. Đặc biệt trong trường hợp các cổ phiếu đầu tư đang được giao dịch dưới mệnh giá. 
 
Trước tình hình đó, Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 71/2013/NĐ-CP đã đưa ra những quy định khá linh hoạt trong các trường hợp thoái vốn. Dự thảo cho biết các doanh nghiệp có thể chuyển nhượng cổ phần tại các Sở GDCK hoặc sàn UpCOM hoặc thỏa thuận với giá không thấp hơn thị giá. 
 
Vậy là mệnh giá đã được "cho qua" trong hướng dẫn mới nhất này. Đồng nghĩa với việc Doanh nghiệp có thể buông các món đầu tư một cách dễ dàng (tất nhiên, trong trường hợp thị trường thuận lợi).
 
Nhưng....
 
Các Doanh nghiệp Nhà nước chớ vội mừng với những quy định tưởng như cởi mở đó. Trong trường hợp Doanh nghiệp không bảo toàn được vốn (kinh doanh thua lỗ) thì Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phải có báo cáo gửi chủ sở hữu và Bộ tài chính về nguyên nhân thua lỗ không bảo toàn được vốn và phải giảm trừ lương của viên chức quản lý doanh nghiệp. Thử hỏi, ai sẽ đủ can đảm ra quyết định có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sát tới lợi ích cá nhân của mình như vậy?

Và những trăn trở
 
Việc thoái vốn không hẳn là không có những thương vụ (có vẻ) "ngon ăn". Gần đây VCG gây bất ngờ với nhà đầu tư khi gọn gàng chuyển nhượng 10,2 triệu cổ phần XMC cho một công ty TNHH. Giá bán, theo một đoạn note nhỏ trên BCTC 6 tháng đầu năm 2013 của XMC, là 10.000 đồng/cổ phần. Vấn đề ở đây là từ lâu XMC chỉ được giao dịch với giá xung quanh 6.000 đồng/cổ phần kèm theo cái án cảnh báo trên HSX vì thua lỗ năm 2012.

Tháng 7/2013, EVN cho biết sẽ đấu giá toàn bộ 25,2 triệu cổ phần mà Tập đoàn này sở hữu của Ngân hàng An Bình (ABB) với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, bán theo lô lớn, không bán cổ phiếu lẻ. Không hiểu mức giá khởi điểm 10.000 đồng mà EVN đưa ra được tính toán trên cơ sở nào, nhưng việc tìm một đối tác mua toàn bộ số lượng cổ phiếu khổng lồ đó với giá (có thể) cao hơn giá trị thực quả không phải dễ dàng. Có lẽ vì thế, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 02/8/2013) không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. Cuộc đấu giá không được diễn ra.

Ở một trường hơp khác, TCT Thủy sản Việt Nam bất ngờ công bố đã bán toàn bộ 1 triệu cổ phiếu sở hữu của CLG - một doanh nghiệp bất động sản, không liên quan gì đến lịch vực kinh doanh chính của Seaprodex. Đã gần 1 tháng nay CLG không chạm ngưỡng giá 10.000 đồng/cổ phần.

Gần đây, COMA vừa được lệnh của Bộ Xây dựng yêu cầu thoái vốn toàn bộ khỏi 9 đơn vị. Đáng lưu ý trong danh sách 9 đơn vị đó có CIG, một doanh nghiệp niêm yết đang giao dịch xung quanh mức giá vỏn vẹn 2.000 đồng/cổ phần và kết quả kinh doanh không lấy gì làm sáng sủa. 6,8 triệu cổ phần CIG sẽ được COMA rao bán với giá như thế nào, cho đối tượng nào vẫn còn để ngỏ. 

Như vậy, có vẻ như chưa cần Bộ Tài chính "thổi còi", các doanh nghiệp đã nhanh chóng tự xoay xở để sớm về đích nhất có thể. Việc thoái vốn nhiều khi để càng muộn lại càng trở nên khó khăn. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây