BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Thời điểm cho các yếu tố mới

Cái tên dịch vụ giao dịch thỏa thuận (GDTT) chứng khoán niêm yết ngoài giờ mà CTCK ACB (ACBS) vừa giới thiệu khiến nhiều người lưu tâm và các cơ quan quản lý giật mình.

Cái tên dịch vụ giao dịch thỏa thuận (GDTT) chứng khoán niêm yết ngoài giờ mà CTCK ACB (ACBS) vừa giới thiệu khiến nhiều người lưu tâm và các cơ quan quản lý giật mình. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu về quy trình dịch vụ này và thực tế thỏa thuận giao dịch ngoài thị trường, ĐTCK lại ghi nhận những ý kiến ủng hộ cho việc áp dụng các tiện ích, công cụ mới vào thị trường. Có lẽ đấy mới là điều chúng ta nên bàn đến.

Giám đốc một quỹ đầu tư của Nhật Bản cho biết, khi có nhu cầu mua - bán một loại chứng khoán, quỹ này sẽ bắn tin cho môi giới. Môi giới ở CTCK liên kết với môi giới ở các CTCK khác để ráp nối thông tin. Sau khi hai bên đồng ý mua - bán, các broker sẽ thực hiện đưa lệnh mua - bán lên sàn. Còn nếu hai bên thống nhất thỏa thuận vào buổi chiều thì chờ đến sáng mai giao dịch.

Theo ông này, thỏa thuận sau giờ giao dịch chính thức được thực hiện dựa trên sự tin tưởng giữa các broker, bên mua và bên bán với nhau. Đây chỉ là thỏa thuận giao dịch, chứ chưa phải là giao dịch nên người mua không sợ mất tiền.

"Về lý thuyết, có rủi ro giao dịch không thành công khi người mua hay người bán thay đổi quyết định, nhưng tình trạng này không đến nỗi nghiêm trọng lắm, nhất là khi các nhà đầu tư lớn thông qua các môi giới để thỏa thuận rất giữ uy tín", ông này cho biết một thông lệ hành xử trên thị trường.

Một nhà đầu tư lớn tại sàn chứng khoán Bảo Việt (TP. HCM) cho biết, nếu vào buổi chiều nhà đầu tư mới tìm thấy khách hàng để giao dịch thỏa thuận thì hai bên mua - bán đều đặt cọc với môi giới để đảm bảo giao dịch sẽ được thực hiện vào ngày mai. Sau khi hai nhà đầu tư giao dịch thỏa thuận trên sàn, môi giới sẽ trả lại tiền cọc, chỉ giữ lại hoa hồng môi giới.

Bình luận về dịch vụ GDTT ngoài giờ của ACBS, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCK Âu Việt nhận xét: "Trong lúc khó khăn như hiện nay, việc CTCK đa dạng hóa dịch vụ để thu hút khách hàng, tăng nguồn thu là bình thường". Theo ông Vịnh, CTCK đứng ra ráp nối khách hàng GDTT là điều thị trường cần mà luật cũng không cấm.

Từ thực tế tham gia thị trường, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc CTCK SJC phân tích, nếu thỏa thuận trong giờ thì nhà đầu tư chẳng cần CTCK. Còn nếu thỏa thuận ngoài giờ, CTCK không đứng ra đảm bảo thì các môi giới tự do cũng sẽ làm việc đó như những gì đã diễn ra trên thị trường.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong khi UBCK chưa đưa ra các nghiệp vụ mới để hỗ trợ tính thanh khoản của thị trường, CTCK - một chủ thể có trách nhiệm xây dựng thị trường - cũng ngại các yếu tố mới thì ai sẽ là người hỗ trợ nhà đầu tư!?

Theo đại diện một số CTCK, mong muốn của họ lúc này là cơ quan quản lý sớm cho phép áp dụng các công cụ mới vào thị trường. Đây là giai đoạn tâm lý nhà đầu tư bắt đầu ổn định, họ đủ bình tĩnh để nghiên cứu, tìm hiểu lợi hại của các công cụ mới trước khi vận dụng. Còn nếu khi thị trường hội đủ yếu tố để "bốc" lên, nhà đầu tư ham kiếm tiến, sử dụng công cụ mới của thị trường một cách thiếu kiểm soát thì lúc đó không chỉ nhà đầu tư gặp rủi ro mà thị trường cũng có nguy cơ rủi ro cao.

Đây chính là thời điểm thuận lợi cho các yếu tố mới xuất hiện trên thị trường.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây