Thời điểm tốt để doanh nghiệp mua lại cổ phiếu?
- Thứ ba - 29/01/2008 10:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TTCK có xu hướng giảm kể từ tháng 11/2007 đến nay khiến giá của nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Tuy nhiên, việc xác định mức giá đó đã hấp dẫn hay chưa (thấp hơn hoặc bằng giá trị) có lẽ những cổ đông lớn trong công ty, đặc biệt ban lãnh đạo là những người biết rõ nhất. Do đó, trong khi một số cán bộ quản lý doanh nghiệp thuộc hàng “đại gia” bán ra ồ ạt cổ phiếu gây sự phản ứng dữ dội của cổ đông thì vẫn có những doanh nghiệp mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
![]() |
Việc mua cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ thể hiện tinh thần trách nhiệm với các cổ đông.
|
Những “phát pháo” liên tiếp
CTCP Viglacera Bá Hiến (BHV) vừa đăng ký mua lại 45.000 cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận hoặc báo giá, từ ngày 21/1 đến ngày 15/3. Mục đích mua lại nhằm bổ sung số lượng cổ phiếu quỹ của Công ty. Nguồn vốn để thực hiện việc mua lại từ quỹ đầu tư phát triển và các nguồn vốn khác. CTCP Đông Triều Viglacera (DTC) đăng ký mua lại 45.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, từ ngày 21/1 đến ngày 15/3. CTCP Vật tư - Xăng dầu (COM) cũng thông báo mua lại 200.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, bắt đầu từ ngày 28/1. Gây sự chú ý nhiều nhất có lẽ là việc CTCP Nam Việt (ANV) sẽ mua lại 1 triệu cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn.
Ngay sau khi các thông tin mua lại cổ phiếu được công bố, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường vẫn không cải thiện được nhiều do xu hướng điều chỉnh mạnh của toàn thị trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều nhà đầu tư cho rằng, đó là một trong những cách để doanh nghiệp khẳng định lại về tình hình hoạt động kinh doanh và củng cố thêm niềm tin với các nhà đầu tư.
Theo một chuyên gia chứng khoán, việc mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp mình có một lợi thế là nắm rõ thuận lợi, rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tự bỏ “tiền nhà” để mua lại cổ phiếu cũng chỉ dành cho những doanh nghiệp có nguồn vốn dư dả. Trước đây, nhiều doanh nghiệp có nguồn thặng dư vốn lớn nhưng chưa có dự án kinh doanh khả thi nên thường thực hiện việc đầu tư thông qua các quỹ. Gần đây, một số doanh nghiệp đã “rút” tiền từ các quỹ về để tự đầu tư, như trường hợp của PPC hay HRC.
Lợi và hại
Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc mua cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ thể hiện tinh thần trách nhiệm với các cổ đông. Trên thực tế, không một doanh nghiệp nào muốn giá cổ phiếu lên quá cao hoặc quá thấp. Nhưng do vấn đề cung cầu, vấn đề tâm lý thị trường, có thể đẩy giá cổ phiếu vào một trong hai trạng thái nêu trên. Trong hoàn cảnh đó, doanh nghiệp có thể làm tốt kế hoạch kinh doanh của mình và minh bạch hoá thông tin để giúp nhà đầu tư có quyết định hợp lý. Nếu doanh nghiệp có điều kiện, khi thấy giá cổ phiếu xuống thấp hơn giá trị thực thì có thể mua vào cổ phiếu của chính mình. Điều này cuối cùng cũng chỉ mang lại lợi ích chung cho các cổ đông, bởi việc mua lại cổ phiếu sẽ làm số lượng cổ phiếu đang lưu hành giảm, dẫn đến tỷ lệ sở hữu cũng như tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng lên. Ngoài ra, sau khi mua lại mà giá cổ phiếu tăng lên thì doanh nghiệp cũng thu được một khoản lợi nhuận, nếu bán ra. Tuy nhiên, việc mua lại cổ phiếu sẽ làm giảm lượng tiền mặt của doanh nghiệp, do đó có thể làm giảm cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.