BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Thúc đẩy xây dựng TTCK vững mạnh

TTCK nước ta trong năm 2007 đã có bước phát triển nhanh và khá vững chắc, tạo niềm tin cho các NĐT trong và ngoài nước. Bài toán nan giải hiện nay đối với các cơ quan quản lý thị trường là tìm ra biện pháp kinh tế (thay vì biện pháp hành chính) để kiểm soát những biến động của thị trường.
 

IPO của các “đại gia” sẽ thúc đẩy TTCK phát triển vững mạnh (Trong ảnh: Kiểm phiếu đấu giá Vietcombank). Ảnh: Anh Thư

TTCK chiếm 42% GDP

Tính đến ngày 28-12-2007, chỉ số VN Index đạt 927,02 điểm, tăng 175,28 điểm  và chỉ số HASTC, Index đạt 323,55 điểm, tăng 80,56 điểm  so với cuối năm 2006. Từ hai tổ chức niêm yết ban đầu, đến nay đã có 245 tổ chức niêm yết (tăng 52 tổ chức so với năm 2006), với tổng khối lượng niêm yết khoảng 4.954 triệu CP.

Tính đến cuối tháng 12, tổng giá trị vốn hóa thị trường của CP khoảng 490.307 tỷ đồng, chiếm 42% GDP năm 2007 (tăng 85% so với năm trước). Có khoảng 570 loại trái phiếu được niêm yết, đạt giá trị khoảng 115.660 tỷ đồng, chiếm 10% GDP năm 2007. Số lượng tài khoản giao dịch của NĐT nước ngoài là 7.664 tài khoản (NĐT có tổ chức 477 tài khoản), tăng gấp 5 lần so với năm 2006. NĐT nước ngoài hiện đang nắm giữ từ 25-30% cổ phần của công ty niêm yết và doanh số giao dịch chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường.

Tuy nhiên TTCK nước ta quy mô còn nhỏ, chưa thực sự đóng vai trò là kênh quan trọng trong việc huy động các nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng cho yêu cầu đầu tư phát triển và tăng trưởng nền kinh tế. Các sản phẩm niêm yết và giao dịch trên TTCK chưa đa dạng, ít về số lượng và CP của các công ty lớn đại diện nền kinh tế còn rất ít. Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của TTCK chưa thực sự ổn định, khung pháp lý và thể chế chính sách đang trong quá trình hoàn thiện, do đó sẽ không tránh khỏi sự bất cập trong chỉ đạo điều hành.

Khó khăn hiện nay là cơ sở vật chất kỹ thuật đầu tư cho TTCK, đặc biệt là hệ thống công nghệ thông tin của HOSE, HASTC, CTCK, Ngân hàng lưu ký còn ở trình độ thấp và thiếu đồng bộ, thiếu tính ổn định, ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng hệ thống công nghệ thông tin ngành chứng khoán. Từ đó chúng ta chưa tổ chức được thị trường CP, trái phiếu riêng biệt, chưa phân định rõ tiêu chuẩn niêm yết tại các TTGDCK để định hướng cho NĐT và tổ chức cung cấp dịch vụ CK tham gia thị trường.

Hoạt động TTCK tự do còn ở phạm vi rộng, thiếu công khai minh bạch, không có sự quản lý giám sát nên khả năng rủi ro cao, có thể gây tổn thất cho NĐT, bất ổn cho thị trường chính thức và hệ thống tài chính.

Cần nhiều “đại gia” lên sàn

Để phát triển lành mạnh và bền vững, theo tôi cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng ngày càng tiếp cận các tiêu chuẩn của tổ chức tài chính quốc tế. Tạo ra một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, chặt chẽ về thị trường vốn, TTCK. Khuôn khổ pháp lý đối với TTCK không chỉ bó hẹp trong phạm vi Luật CK mà còn bao hàm các nội dung, các quy định của Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Để nâng cao chất lượng nguồn cung cho thị trường, một yếu tố quan trọng góp phần tăng hàng hóa có chất lượng là Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 29-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2007-2010.

Hàng hóa cung cấp cho thị trường một mặt phải dồi dào, phong phú, với số lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, mặt khác còn phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng để giảm thiểu những rủi ro có thể có đối với các NĐT và đối với thị trường.

Thêm vào đó, để có nhiều hàng hóa có chất lượng, không thể thiếu các yếu tố đồng bộ kèm theo như phải phát triển các tổ chức kiểm toán, tổ chức định mức tín nhiệm hoạt động hiệu quả để hỗ trợ quản lý và thông tin, làm cơ sở cho quyết định của các NĐT trên thị trường. Đó cũng là điều kiện kiên quyết để biến TTCK Việt Nam trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, tương xứng với tiềm năng và để hoạt động của thị trường diễn ra lành mạnh.

Liên thông với nước ngoài

Chiến lược phát triển kinh tế của nước ta đến năm 2010-2020 đặt ra mục tiêu tăng trưởng rất cao, nên đòi hỏi một lượng vốn kinh tế khá lớn. Niêm yết tại thị trường nước ngoài sẽ là cơ hội tiếp cận các nguồn vốn lớn khác nhau.

Việc kết nối nền kinh tế giữa Việt Nam với các nước tạo cơ hội để các NĐT trong nước đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn có cơ hội tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam đang chuẩn bị cho việc vươn ra thị trường vốn quốc tế.

Tuy nhiên để đạt được điều này trước tiên bản thân doanh nghiệp phải tăng cường hiệu quả của chính mình, tăng cường việc quản trị công ty một cách minh bạch và phải đảm bảo đáp ứng đủ các tiêu chuẩn niêm yết của thị trường vốn quốc tế.

Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp vừa nâng cao quản trị công ty, vừa hỗ trợ và có thể bảo lãnh các doanh nghiệp để có mặt ở thị trường vốn quốc tế (chẳng hạn Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tư vấn nước ngoài vào để gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nghiệp...)

Rõ ràng, sự phát triển bền vững của TTCK phải dựa trên nền tảng quan hệ cung- cầu. Với “cung” không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng trong mối tương quan phù hợp, với “cầu” trước tiên phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển hệ thống NĐT có tổ chức, trong đó các quỹ đầu tư, tổ chức bảo hiểm, ngân hàng đóng vai trò quan trọng để tổ chức các quỹ thành viên, công ty đầu tư CK, các hình thức quỹ đóng…

Nguyễn Đoan Hùng
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây