Tiền đi đâu?
- Thứ ba - 22/04/2008 13:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thắt chặt tiền tệ, tiền mặt ngày càng khan hiếm - Ảnh: T.T.D. |
Tại TP.HCM, lượng tiền gửi của doanh nghiệp (DN) giảm nhiều nhất. Nguyên nhân là các NH giảm cho vay vì lý do: một số NH không còn vốn để cho vay, số khác thì giảm cho vay và thu nợ dần để đạt được chỉ tiêu tăng tín dụng cả năm 2008 không vượt quá 30% so với cuối năm 2007. Các DN không còn tiền để xoay nên phải rút dần tiền gửi tại NH để mua hàng hóa, dịch vụ và trả nợ.
Theo một phó tổng giám đốc NH Á Châu, so với năm ngoái, hiện lượng tiền của các DN, nhất là các DN xuất nhập khẩu, giảm nhiều. Đang vào mùa thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu nên nhiều DN xuất nhập khẩu đồng loạt rút tiền gửi để sử dụng.
Cũng do NH khóa van tín dụng, đã nảy sinh hoạt động cho vay mượn lẫn nhau. Những DN có vốn trước đây gửi NH nay rút về cho DN bạn, đối tác vay mượn tạm thời cũng làm lượng tiền gửi tại NH giảm. Theo phó tổng phụ trách nhà máy sản xuất gỗ ở TP.HCM, nguồn thu tiền bán hàng của DN gửi tại NH chỉ có lãi suất (LS) 0,25%/tháng. Trong khi đó, cũng số tiền này nếu tạm thời chưa sử dụng có thể cho bạn hàng vay LS cao hơn, lợi cả đôi đàng.
Tiền mặt là tất cả
NH đứng bên lề
Theo một số chuyên gia, tình trạng bị hụt vốn và siết tín dụng đã khiến NH tự đứng ra bên lề của hoạt động cung cấp tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Khi mà cá nhân, DN gặp khó khăn trong vay vốn NH thì tín dụng ngoài NH sẽ phát triển. Xu hướng này nếu kéo dài là không lành mạnh cho nền kinh tế. Vì hoạt động vay mượn lẫn nhau giữa DN - DN, cá nhân - cá nhân sẽ khó đạt được những "chuẩn mực" về tín dụng như NH đã làm để đảm bảo người vay trả được nợ, sử dụng vốn có hiệu quả và đúng mục đích. Cũng theo một số chuyên gia, có thể tới đây sẽ nảy sinh những vụ tranh chấp từ hoạt động vay mượn ngoài NH. |
Không chỉ lượng tiền gửi của các DN, các tổ chức kinh tế tại các NH giảm mà theo nhiều NH, lượng tiền gửi của cá nhân giảm mạnh. Một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết chỉ trong hai tuần qua lượng tiền gửi tại đây đã giảm khoảng 300 tỉ đồng. Các NH đưa ra nhiều nguyên nhân giải thích lý do lượng tiền gửi cá nhân giảm.
Có NH cho rằng do lạm phát cao, các NH thì nhùng nhằng việc tăng giảm LS nên một số người đã chuyển sang mua vàng cất giữ. Nhưng nhiều NH cùng có chung nhận định: do NH khóa van tín dụng nên người dân phải xoay vòng đồng tiền của mình thay vì gửi ở NH như trước làm lượng tiền gửi giảm.
Nhiều người có tiền nhàn rỗi nhưng chưa có cơ hội kinh doanh thì rút tiền về cho người thân vay mượn để giải quyết các phi vụ kinh doanh. Một giám đốc chi nhánh NH cổ phần xác nhận nhiều khách hàng có tiền tỉ gửi tại NH nay đã rút về để cho người thân vay mượn. Gửi tại NH, LS cao nhất chỉ 1%/tháng, trong khi cho vay LS cao hơn nhiều.
Một giám đốc chi nhánh NH khác cho biết lượng tiền gửi giảm một phần do tài sản của nhiều khách hàng đang dần bị "teo" lại sau chứng khoán và địa ốc cùng giảm giá. Trước đây, khi giá còn ở mức cao, họ chỉ cần bán quyền mua một căn hộ đã có thể thu chênh lệch vài trăm triệu đồng, tiền này lại được gửi ở NH để chờ xoay vòng phi vụ làm ăn khác. Còn hiện nay tất cả đóng băng, tiền không xoay được, giá tài sản (chứng khoán, bất động sản) giảm, trong khi vẫn phải thanh toán các khoản mua nhà, đất khác nên có bao nhiêu gửi ở NH phải "moi" ra để thanh toán.
Có còn giảm?
Theo nhận định của nhiều NH, lượng vốn huy động của các NH trong thời gian tới chưa có dấu hiệu khả quan. Một vài NH thương mại nhà nước có thế mạnh huy động vốn từ các DN hiện nguồn vốn cũng giảm 6-13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này buộc các NH này đã ngưng cho vay trên thị trường liên NH. Khi các NH nhỏ không còn vay được vốn trên thị trường liên NH thì họ cũng khóa luôn van tín dụng, khi đó DN không còn tiền để gửi ở NH. Đặc biệt trong trường hợp phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, một số DN phải giảm đầu tư khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, cũng làm cho lượng tiền gửi ở NH giảm.
Với tiền gửi tiết kiệm của cá nhân, ít nhiều sẽ bị hút dần bởi hoạt động "tài trợ" cho người thân làm vốn kinh doanh trong bối cảnh NH hạn chế cho vay. Xu hướng này còn kéo dài vì từ nay đến cuối năm các NH vẫn chưa thể mở rộng cho vay. Thậm chí những tháng gần cuối năm, hoạt động cho vay ngoài NH sẽ phát triển mạnh vì nhu cầu vốn của người dân trong thời điểm này cũng tăng lên. Một yếu tố cũng ảnh hưởng đến tiền gửi tiết kiệm là LS chưa thể tăng thêm, do vậy muốn dân gửi tiết kiệm nhiều hơn phải kéo lạm phát xuống.
Cũng theo các chuyên gia NH, nguồn tiền gửi từ các NH tăng hay giảm tùy thuộc chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới của NH Nhà nước.
T.TU. - H.Đào