BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Tìm cơ hội tại “sân nhà”

130 hợp đồng và bản ghi nhớ với trị giá trên 70 triệu USD đã được các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam ký kết với các nhà nhập khẩu nước ngoài ngay tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam - VIFA 2009.
Càng khó khăn, doanh nghiệp càng phải mạnh dạn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

130 hợp đồng và bản ghi nhớ với trị giá trên 70 triệu USD đã được các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam ký kết với các nhà nhập khẩu nước ngoài ngay tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam - VIFA 2009. Điều đáng ghi nhận là trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng VIFA 2009 cũng thu hút được 40% đơn vị tham gia là DN nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài đến từ Singapore, Pháp, Malaysia, Anh, Đức, Trung Quốc, Phần Lan, Ý, Thái Lan, Nhật Bản, Na Uy, Đài Loan…

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (Hawa), hội chợ này đã thu hút được 700 đoàn khách quốc tế (gấp đôi so với năm 2008), số lượng hợp đồng mà DN ký được tại hội chợ cũng gấp đôi năm 2008 (130 hợp đồng và biên bản ghi nhớ xuất khẩu, chưa kể nhiều DN còn tìm được các đại lý để phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa). Tất nhiên, để đạt được con số ấn tượng này, Hawa đã phải "mạnh tay" tăng mức kinh phí cho quảng bá và thu hút DN nước ngoài lên gấp đôi so với năm 2008 là 150.000 USD. Theo đó, Hawa đã hỗ trợ 50% phí cho các DN thủ công mỹ nghệ, DN vừa và nhỏ trong Hawa và hỗ trợ 10% cho tất cả DN trong và ngoài nước khi tham gia hội chợ.

Sau một thời gian mải mê "chinh chiến" tại các hội chợ triển lãm ở nước ngoài, thời gian gần đây, khá nhiều hiệp hội ngành hàng và DN nhận thấy việc xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước cũng mang lại hiệu quả không kém. Chính vì thế, tại hội nghị tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN xuất khẩu tổ chức mới đây ở TP. HCM, đã có nhiều kiến nghị từ phía DN muốn được hỗ trợ để tổ chức các hội chợ trong nước, thay vì hướng ra nước ngoài tìm kiếm bạn hàng.

Quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thanh cho rằng, lâu nay chúng ta mới chỉ chú trọng hỗ trợ các đoàn DN ra nước ngoài tìm cơ hội làm ăn, chứ chưa quan tâm nhiều đến việc mời các đoàn DN nước ngoài vào Việt Nam. Ông Thanh kiến nghị được hỗ trợ kinh phí cho DN ngành điều trong chương trình Festival ngành điều sắp được tổ chức tại Việt Nam.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc CTCP May Sài Gòn 3, đối với việc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho ngành dệt may, thay vì đi ra nước ngoài làm, chúng ta nên tổ chức xúc tiến thương mại ngay tại "sân nhà", vừa không quá tốn kém, mà hiệu quả vẫn cao.

Chủ động mời nhà nhập khẩu nước ngoài đến giao dịch tại các sự kiện xúc tiến thương mại ở Việt Nam là một trong những hình thức mới mà Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương đang đề xuất để đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công thương cho biết, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2009 đợt II sẽ có tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 65 tỷ đồng, tập trung vào 19 ngành hàng thuộc nhóm nông - lâm - thuỷ sản và công nghiệp chế biến, trong đó ưu tiên cho các hoạt động trong nước và nước ngoài nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá. Chương trình cũng dự kiến khoảng 51 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho DN sản xuất, kinh doanh thông tin về người tiêu dùng, về thị phần hàng Việt Nam, hiện trạng hệ thống phân phối…

Ngoài ra, trước những kiến nghị của các DN, bộ này cũng bổ sung một số nội dung xúc tiến thương mại mới nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu như: hỗ trợ tổ chức giao thương với các nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam mua hàng; tổ chức hội nghị ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài để tiêu thụ hàng hoá. Cục Xúc tiến thương mại cũng đã đề xuất hỗ trợ 100% chi phí tuyên truyền, quảng bá, mời nhà nhập khẩu nước ngoài đến Việt Nam giao thương, tham gia hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường…

Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hawa, càng khó khăn, DN càng phải mạnh dạn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Có như vậy mới tiếp cận được khách hàng, tăng cơ hội ký được hợp đồng xuất khẩu.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây