Tìm kênh sinh lợi cho dòng tiền
- Thứ năm - 12/03/2009 05:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Ông Nguyễn Thái Hà |
Vàng đang có sóng lớn, trong khi giá chứng khoán đã sụt giảm khá sâu và bất động sản cũng như ngoại tệ có nhiều cơ hội sinh lời. Tuy nhiên, mức độ hấp dẫn của các kênh đầu tư này phụ thuộc rất lớn vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế. ĐTCK đã phỏng vấn ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Đầu tư Chứng khoán CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF).
Với những dữ liệu hiện có, theo ông, thời điểm nào kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi?
Năm 2008, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước đó. Tốc độ tăng trưởng từ năm 2007 trở về trước dựa chủ yếu vào sự dồi dào của nguồn vốn ngoại (FDI, ODA, FII, kiều hối) và cùng với đó là sự phát triển tín dụng khá nóng. Sang năm 2009, khi mà FDI và FII toàn cầu được dự báo là sẽ suy giảm nghiêm trọng do khủng hoảng tài chính dẫn đến thu hẹp đầu tư, lượng kiều hối không còn dồi dào do các khó khăn kinh tế, ODA của Việt Nam cũng sẽ bị thu hẹp do mức độ tín dụng của quốc gia đang ở mức không tích cực, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thị trường thu hẹp, giá cả suy giảm. Các gói giải pháp kích thích kinh tế, tăng chi tiêu công của Chính phủ tại thời điểm này mới đang được triển khai và cần có một khoảng thời gian để phát huy hiệu quả.
Dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ chưa hết khó khăn cho đến khi nền kinh tế Mỹ và thế giới bắt đầu hồi phục. Trên cơ sở những giả thiết và dữ liệu hiện có, chúng tôi dự đoán kinh tế Việt Nam chỉ thực sự phục hồi vào nửa cuối năm 2010.
Ở góc độ một quỹ đầu tư, ông đánh giá thế nào về các cơ hội đầu tư trong năm nay?
Chúng tôi cho rằng, cơ hội đầu tư lúc nào cũng có, nó phụ thuộc vào chiến lược, kỳ vọng và mức chịu đựng rủi ro của mỗi người.
Đối với vàng, trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vàng như là một kênh "trú ẩn" bên cạnh việc tìm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, diễn biến giá vàng là khá phức tạp, lên xuống không theo quy luật nào như hiện tại thì việc tìm kiếm lợi nhuận từ đầu tư vàng cũng kèm theo rất nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, NĐT cũng cần cân nhắc rủi ro về dài hạn khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại, cũng như việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự định bán ra một lượng vàng vật chất khá lớn.
Về ngoại tệ, xu hướng giảm giá VND so với USD trong năm 2009 đã được khẳng định do các giải pháp kích thích kinh tế phát triển của Chính phủ. Trong khi đó, với lãi suất tiết kiệm USD kỳ hạn 1 năm hiện tại là 3,2%, cộng với mức giảm giá của VND so với USD được dự báo là 5% trong năm 2009, việc đầu tư ngoại tệ có thể là kênh đầu tư mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn. Tuy nhiên, NĐT cũng cần phải có hiểu biết sâu sắc về kênh đầu tư này, cũng như tính đến các rủi ro về chính sách có thể có khi Việt Nam vẫn quản lý chặt chẽ việc lưu thông ngoại tệ.
Đối với bất động sản, bong bóng đã bị xì hơi sau một thời gian dài do tác động của đầu cơ và giá đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn rất cao so với thu nhập của phần lớn người dân. Cũng như TTCK, bất động sản cũng chỉ phục hồi khi nền kinh tế có những dấu hiệu đi lên và có một lượng tín dụng lớn đổ vào đây. Đầu tư vào lĩnh vực này vì vậy đòi hỏi phải có lượng vốn tương đối lớn và thời gian đầu tư dài. Kênh đầu tư này chỉ thích hợp với những NĐT dài hạn và có tiềm năng tài chính tốt.
Thế còn đối với chứng khoán thì sao, thưa ông?
Chỉ số VN-Index đã suy giảm 67% trong năm 2008 và đang tiếp tục suy giảm, kéo giá cổ phiếu xuống rất thấp. Nhiều cổ phiếu hiện có mức P/E từ 3 - 5 lần, P/E toàn thị trường chỉ ở mức 7 - 8 lần. TTCK là một thị trường có tính thanh khoản tốt nếu so sánh với các thị trường khác và vẫn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất hiện nay, nhất là đối với những NĐT dài hạn. Có một quy luật mà NĐT phải cân nhắc là TTCK thường là thị trường của niềm tin và sẽ hồi phục đầu tiên, trước khi nền kinh tế, thị trường bất động sản thực sự hồi phục từ 3 - 6 tháng. Tuy nhiên, cần lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng, có tình hình tài chính lành mạnh, thông tin minh bạch, thuộc các ngành kinh tế có khả năng chống chọi với khủng hoảng, phục hồi nhanh khi nền kinh tế khởi sắc trở lại.
Dưới góc độ là NĐT tổ chức, SHF ưu tiên lĩnh vực nào để bỏ vốn?
Chúng tôi sẽ thành lập và quản lý ít nhất một quỹ đầu tư vào hai kênh đầu tư chủ yếu là TTCK và bất động sản. Trong lĩnh vực chứng khoán, chúng tôi quan tâm đến những cổ phiếu tiềm năng có giá trị nội tại tốt, có tính an toàn cao (thuộc các ngành dược, hạ tầng…). Trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi tập trung đầu tư cho những dự án nhà ở, chung cư có vị trí hợp lý, hướng đến đối tượng dân số trẻ, có thu nhập trung bình, hiện chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lao động và có nhu cầu về nhà ở.