BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Tính kỹ trước khi khai thuế

TT - Hàng triệu người đang ngồi khai thuế thu nhập cá nhân. Theo các chuyên gia, khai thuế có lợi nhất phụ thuộc vào nhiều biến số, không ai như ai, vì thế phải nắm rõ giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần, thế nào là người phụ thuộc, thu nhập của người nộp thuế và ngồi... tính

TT - Hàng triệu người đang ngồi khai thuế thu nhập cá nhân. Theo các chuyên gia, khai thuế có lợi nhất phụ thuộc vào nhiều “biến số”, không ai như ai, vì thế phải nắm rõ giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần, thế nào là người phụ thuộc, thu nhập của người nộp thuế và ngồi... tính.

Cán bộ thuế hướng dẫn khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Khai cho người có thu nhập cao

Nguyên tắc này đúng với đa số người phải khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Trong gia đình, vợ chồng cùng đi làm, nếu một người có thu nhập cao hơn thì nên để người đó nhận khai người phụ thuộc để giảm thu nhập chịu thuế.

Ví dụ gia đình ông A, vợ có thu nhập 4 triệu đồng/tháng, chồng thu nhập 20 triệu đồng/tháng, có bốn người phụ thuộc (gồm hai con và cha mẹ già). Trường hợp này nên khai giảm trừ gia cảnh cả bốn người phụ thuộc cho ông A. Ông A được giảm trừ gia cảnh 10,4 triệu đồng: bản thân ông A là 4 triệu đồng, 4 người phụ thuộc là 6,4 triệu đồng (1,6 triệu x 4 người). Thu nhập chịu thuế của ông A chỉ còn 9,6 triệu đồng (20 triệu - 10,4 triệu), ông A nộp thuế TNCN là 710.000 đồng.

Cụ thể, theo biểu thuế lũy tiến từng phần, thu nhập chịu thuế 9,6 triệu đồng của ông A được tính như sau:

* Đến 5 triệu đồng thuộc bậc 1 biểu thuế có thuế suất là 5%: 5 triệu x 5% = 250.000 đồng;

* Phần còn lại 4,6 triệu đồng thuộc bậc 2 của biểu thuế có thuế suất 10%: 4,6 triệu x 10%= 460.000 đồng.

Còn bà A do thu nhập chỉ đủ giảm trừ gia cảnh nên không còn thu nhập chịu thuế, vì thế không phải đóng thuế.

Biểu thuế lũy tiến từng phần

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Ðến 60 Ðến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

 

Thu nhập ngang nhau, khai cho ai?

Theo các chuyên gia, hai vợ chồng có hai con, có thu nhập ổn định và ngang nhau, nếu khai giảm trừ gia cảnh cho hai người có lợi hơn là khai tập trung vào một người.

Khai cho người thu nhập ổn định

Theo những người am hiểu về thuế TNCN, với trường hợp vợ/chồng có thu nhập ổn định, người còn lại có thu nhập theo “thương vụ” như mua bán bất động sản... thì nên khai giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc cho người có thu nhập ổn định để giảm tiền thuế phải nộp hằng tháng. Theo Luật thuế TNCN, chỉ có cá nhân thu nhập từ tiền lương, tiền công và sản xuất kinh doanh mới được giảm trừ gia cảnh.

Trường hợp gia đình cha mẹ già có đông con nhưng chỉ có một người có thu nhập ổn định thì nên cùng thỏa thuận để người có thu nhập ổn định khai người phụ thuộc để khai thác tối đa quy định

về giảm trừ gia cảnh vì Luật thuế TNCN không giới hạn số người phụ thuộc.

A.HỒNG


Vợ chồng ông B thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Nếu khai hai người phụ thuộc cho ông B thì ông B không phải nộp thuế thu nhập (4 triệu +3,2 triệu = 7,2 triệu, trong khi thu nhập chỉ có 6 triệu đồng). Còn bà B phải nộp thuế 100.000 đồng= (6 triệu - 4 triệu gia cảnh cho bản thân) x 5%. Nhưng nếu mỗi người khai một người phụ thuộc thì thuế phải nộp chỉ có 40.000 đồng (mỗi người nộp 20.000 đồng = {6 triệu - (4 triệu +1,6 triệu)} x 5%.

Với những người độc thân cũng có thể khai tăng khoản giảm trừ gia cảnh nếu có người thân đáp ứng điều kiện là “người phụ thuộc”. Những người có liên quan trong gia đình nên ngồi lại, bàn bạc, như gia đình có cha mẹ già thì nên để những người độc thân có thu nhập cao khai giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, các trường hợp người phụ thuộc “xa” hơn như anh, em... thì bên cạnh điều kiện phải ngoài độ tuổi lao động, hoặc trong độ tuổi nhưng mất khả năng lao động còn có điều kiện là người đó đang được người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng.

Khai thuế bất động sản

Những người có nhiều BĐS đã có chủ quyền sẽ khai thác tối đa quy định “miễn thuế TNCN trong trường hợp chuyển nhượng BĐS cho người thân”. Giả sử ông A có hai căn nhà, thay vì đứng ra bán cho người khác thì phải chịu thuế do có hai căn nhà, ông A sẽ làm thủ tục cho nhà cho con và người con đứng ra bán nhà. Cả hai đều không phải nộp thuế TNCN vì đáp ứng điều kiện “cha cho con nhà được miễn thuế TNCN”, còn người con khi bán nhà thì đáp ứng điều kiện “bán căn nhà duy nhất nên được miễn thuế TNCN”.

Như vậy, trong gia đình, khi cho qua cho lại để đỡ thuế, phải chọn cho những người chưa sở hữu BĐS, vì nếu cho người đã sở hữu một BĐS thì khi người này bán vẫn phải chịu thuế.

Những người kinh doanh BĐS cũng có thể không phải nộp thuế TNCN nếu biết tính toán. Với người đang sở hữu nhiều nền đất, nhà, căn hộ, đều chưa có giấy tờ sở hữu hợp pháp, chỉ mới dừng ở dạng hợp đồng với công ty BĐS. Những trường hợp này không vội vã gì làm giấy chủ quyền, cứ thong thả làm chủ quyền từng căn một để đáp ứng điều kiện “chỉ có một BĐS duy nhất khi chuyển nhượng thì được miễn thuế TNCN”. Bán xong rồi mới làm chủ quyền cho căn khác, như vậy vẫn chỉ sở hữu có một BĐS.

Nhưng theo giới kinh doanh BĐS, nhiều người không vội làm giấy chủ quyền, bán dưới dạng hợp đồng sang tay với nhau để khỏi nộp thuế. Hiện pháp luật quy định việc chuyển nhượng BĐS phải có giấy tờ hợp pháp như giấy hồng, giấy đỏ... Tuy nhiên, trên thực tế, người kinh doanh vẫn chuyển nhượng các hợp đồng góp vốn mua căn hộ, đất nền, nhà... và vẫn phát sinh thu nhập nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng qua cơ quan chức năng nên cũng “bỏ qua” công đoạn khai thuế.

Ai là người phụ thuộc?

Ảnh minh họa: TTO

- Mức giảm trừ gia cảnh: 4 triệu đồng/tháng cho người khai thuế và 1,6 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, không giới hạn người phụ thuộc. Phần giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng được tính bình quân trong năm, không phân biệt tháng không có hoặc thu nhập dưới 4 triệu đồng.

* Người phụ thuộc:

+ Con, gồm: con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng) hoặc trên 18 tuổi bị tàn tật, không có khả năng lao động; con đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng.

+ Vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng) ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng.

+ Với các trường hợp khác như anh, chị, em ruột; ông, bà nội, ông, bà ngoại; cô, dì, cậu, chú, bác ruột; cháu ruột (gồm con của anh, chị, em ruột) chỉ được xem là người phụ thuộc nếu ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng nhưng phải do người nộp thuế trực tiếp nuôi dưỡng.

(Nguồn: Thông tư 84 về thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính)

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây