Tỷ giá biến động mạnh vì sao?
- Thứ ba - 01/04/2008 03:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
![]() |
Tâm lý người dân cũng làm cho tỷ giá tăng lên khi cho rằng đã đến lúc mua vào usd |
Đồng USD trở nên có giá trên thị trường tự do khiến các quầy thu đổi ngoại tệ nhanh chóng lấy lại không khí mua - bán. Theo đại diện của một quầy thu đổi ngoại tệ Eximbank trên đường Lê Lợi, Quận 1, TP. HCM, tỷ giá trong ngày 28/3 đã nhiều lần bị điều chỉnh và đến cuối giờ chiều được chốt ở mức 16.050 - 16.250 VND/USD mua vào và bán ra, tỷ giá này đã giảm hơn mức 16.100 - 16.350 VND/USD vào buổi sáng cùng ngày.
Tỷ giá VND/USD bắt đầu nhích lên từ thứ Ba tuần trước, từ mức 15.830 - 15.950 VND/USD vọt lên 16.080 - 16.120 VND/USD vào ngày thứ Năm. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, so với các đợt tăng trước, đồng USD phục hồi lần này nhanh hơn. Thực tế, chỉ trong 2 ngày, tỷ giá lấy lại ngưỡng 16.000 VND/USD, tăng hơn 300 VND/USD so với trước đó. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn ổn định trong ngày 28/3, đứng ở mức 16.090 - 16.120 VND/USD. Còn tỷ giá niêm yết trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào ngày cuối tuần qua vẫn dưới mức 16.000 VND/USD. "Sáng 28/3, nhiều người chào mua mà không có ai bán, nhưng đến chiều thì có nhiều người bán mà người mua lại ít đi", một vị lãnh đạo của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn cho biết.
Hiện tượng tỷ giá VND/USD bị tung lên, quật xuống đã được trải nghiệm vào tháng 9 năm ngoái, khi tỷ giá đột ngột giảm sút từ 16.197 - 16.232 VND/USD vào ngày 19/9 và giá mua gặp giá bán vào ngày 11/10 ở mức 16.080 VND/USD. NHNN và nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lần này lại đóng vai trò tung hứng, thông qua trung gian là hệ thống ngân hàng thương mại.
Những ngày đầu và giữa tháng 3/2008, tỷ giá hối đoái trượt dốc, nhiều ngân hàng "chê" USD, trong khi DN phải "năn nỉ" mới bán được ngoại tệ cho ngân hàng, mặc dù phải chịu mức phí khấu trừ trên giá niêm yết khá cao, lên đến 3,9% tại thời điểm giao dịch. Hiện đồng USD đã trở nên có giá hơn trong mắt các ngân hàng, chỉ mới đầu tuần trước, nhiều nhà xuất khẩu đến nài nỉ để bán USD thì sau ngày 25/3, nhiều ngân hàng phải mời chào ngược lại. Nguồn ngoại tệ chảy vào ngân hàng giảm dần, do nhu cầu bán USD của các nhà xuất khẩu hạn chế.
Trước tình trạng trên, trong dư luận đã lan truyền tin đồn nhà ĐTNN đột ngột rút vốn ra khỏi thị trường để đầu tư vào các thị trường khác đang trở nên hấp dẫn hơn, khiến nhu cầu USD tăng đột biến.
Để chấn chỉnh thông tin này và trấn an dư luận, chiều ngày 28/3, Uỷ ban Chứng khoán đã có thông báo về việc tham gia của nhà ĐTNN trên TTCK. Theo Uỷ ban Chứng khoán, qua kiểm tra lại các thành viên lưu ký nước ngoài tại thời điểm báo cáo cho thấy, số dư ĐTNN không giảm. Nhu cầu bán ngoại tệ của nhà ĐTNN về cơ bản không thay đổi và NHNN đã đáp ứng được. Còn một số giao dịch ngoại hối chuyển khoản từ VND sang ngoại tệ của một số ngân hàng là nhằm mục đích khác, không liên quan đến giao dịch chứng khoán.
Trong thông cáo phát đi ngày 28/3, NHNN cho rằng, những diễn biến trên thị trường đang cho thấy, tình trạng dư cung ngoại tệ không còn và cầu USD có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân chính là do các ngân hàng đang tích cực mua ngoại tệ trên thị trường để tăng mức trạng thái ngoại tệ nắm giữ, đáp ứng nhu cầu USD tăng. Thêm vào đó, tâm lý người dân cũng làm cho tỷ giá tăng lên khi cho rằng đã đến lúc mua vào, khiến nguồn cung ngày một mỏng hơn, trong khi cầu lại gia tăng.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh, đây không phải vấn đề tỷ giá, mà là vai trò cuối cùng tham gia điều chỉnh tỷ giá của NHNN để không gây nên một cú sốc trên thị trường. Trong khi đó, xét về cán cân thanh toán tính cho cả năm thì thanh toán luồng tiền vào lớn hơn luồng tiền ra.
Trong thời gian tới, khả năng thiếu vốn ngoại tệ của các ngân hàng thương mại có thể trầm trọng hơn, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất đồng USD xuống 2,25%, còn lãi suất tiền đồng đẩy lên 12%/năm khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân chạy theo trào lưu gửi tiền VND và vay tiền USD để hưởng chênh lệch lãi suất và tỷ giá. Chỉ trừ trường hợp NHNN hạn chế đối tượng vay bằng ngoại tệ, vốn đã để quá mở, còn nếu không áp lực đối với hệ thống ngân hàng thương mại trong việc huy động và cho vay bằng ngoại tệ sẽ căng thẳng.
Việc nhiều DN hiện nay không có nhu cầu ngoại tệ, nhưng cứ đi vay bằng ngoại tệ sau đó bán lại cho ngân hàng lấy tiền đồng để sản xuất, kinh doanh là một thực tế. Tuy nhiên, những người này không có nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, nên đến khi trả nợ phải đôn đáo mua USD trả nợ vay cho ngân hàng. Từ đó, tạo ra cung cầu ảo ở trên thị trường về ngoại tệ. "USD lên giá gần đây, không ngoại trừ việc các ngân hàng đã cho vay bằng ngoại tệ quá nhiều trong quý I với các kỳ hạn ngắn hạn. Giờ đến đáo hạn các khoản nợ, nhiều DN phải mua USD để trả nợ, dẫn đến cầu ngoại tệ tăng, đẩy tỷ giá lên cao", một quan chức ngành ngân hàng cho biết.