VN-Index giảm hơn 12 điểm, nhà đầu tư đẩy mạnh gom hàng giá rẻ
- Thứ tư - 28/08/2013 05:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này

Giá trị giao dịch sàn HoSE đạt gần 1.150 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị giao dịch phiên trước, trong khi sàn Hà Nội cũng giao dịch được hơn 200 tỷ đồng.
Thanh khoản đã tăng rất tốt trong phiên bán tháo ngày hôm nay. KLGD sàn HoSe đạt 65,3 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt gần 1.150 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị giao dịch phiên trước, trong khi sàn Hà Nội cũng giao dịch được hơn 200 tỷ đồng.
VN-Index chốt phiên giảm 12,27 điểm (-2,53%) xuống 473,3 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,73 điểm xuống 60,68 điểm. Khi Vn-Index thủng liên tục các ngưỡng hỗ trợ mạnh như vùng 480 điểm, việc khôn ngoan nên làm là đứng ngoài thị trường quan sát và giảm vị thế tiền vay.
Tuy nhiên thanh khoản tăng mạnh cho thấy thị trường không đến nỗi hoảng loạn như một số báo giật tít sáng nay. Hoạt động chốt danh mục, cắt margin khiến nhiều cổ phiếu – đặc biệt là nhóm bluechips – giảm sâu nhưng trong nhóm Vn30 không có mã nào giảm sàn.
Một số cổphiếu có cơ bản tốt vẫn được gom mua mạnh như REE giảm 800 đồng, khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị, DRC, PPC giảm 1.100 đồng, BVH giảm 2.400 đồng giao dịch trên 1 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác bị bán mạnh có VNM giảm 4.000 đồng, PVD giảm 2.000 đồng, FPT giảm 1.600 đồng, CSM giảm 1.700 đồng, MSN, GMD giảm 1.000 đồng, HPG, HSG giảm 1.200 đồng.
Tất nhiên, không loại trừ khả năng nhiều nhà đầu tư đã bị khớp ở thế "bị động", nghĩa là treo cổ phiếu xuống sát giá sàn nhưng do bên bán quyết liệt cắt lỗ đã khiến bên mua bất đắc dĩ thành kẻ "bắt dao rơi".
~~~
Thị trường gần như lao dốc không phanh vào cuối phiên giao dịch sáng nay khi VN-Index giảm tới 11,6 điểm, xuống 473,97 điểm (-2,39%). Không một lực đỡ nào đủ giữ thị trường khỏi mất mốc 480 điểm một cách dễ dàng như vậy. Tất cả các cổ phiếu trong VN30 giảm điểm, toàn thị trường có 183 mã giảm giá/25 mã tăng giá.
VNM cuối phiên giảm 3.000 đồng, VIC, MSN, KDC giảm 2.500 đồng, BVH giảm 2.000 đồng, FPT, PVD, CSM, DRC, HSG, GAS giảm trên 1.000 đồng/cp, REE, PET, GMD, HPG giảm từ 700-900 đồng.
KLGD và giá trị giao dịch phiên này đã tăng đáng kể so với phiên trước, giá trị giao dịch sàn HoSE đạt gần 700 tỷ đồng trong khi cả phiên giao dịch hôm qua chỉ khớp lệnh 400 tỷ đồng.
Tại nhóm penny và midcap, TCM xuống sát giá sàn, giảm 900 đồng, HAR dư bán sàn 340.000 cổ phiếu.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,22% xuống 60,66 điểm. KSQ, S99 tăng trần bất chấp lệnh bán ồ ạt trên hai sàn, PGS giảm 700 đồng, VGS giảm 300 đồng, PVS giảm 400 đồng, SHB giao dịch hơn 3 triệu đơn vị.
Ngày hôm qua khối ngoại mặc dù bán ròng về khối lượng tuy nhiên đã mua ròng về giá trị sau 6 phiên bán ròng liên tiếp. Giá trị mua ròng chỉ ở mức 5 tỷ đồng trên sàn HoSE do khối ngoại mua ròng 152.000 cổ phiếu VNM và 66.000 cổ phiếu GAS, trong khi khối này bán ròng EIB, CTG, VFMVF1 và DIG.
TTCK Mỹ giảm điểm với chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm mạnh nhất kể từ ngày 20/6.Mỹ, Pháp và Anh ngày càng tiến gần hơn đến xung đột quân sự với Syria. Trả lời phỏng vấn của BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel khẳng định các lực lượng của Mỹ đã sẵn sàng.
Sáng nay, TTCK thế giới đều đỏ lửa và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Diễn biến TTCK thế giới sáng nay (28/8)
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (28/8), VN-Index giảm mạnh ngay từ đầu phiên, giảm 5,95 điểm xuống 479,62 điểm (-1,23%). Nhà đầu tư đang có xu hướng cắt lỗ ồ ạt để giảm tỷ trọng margin.
Lúc này MSN giảm 2.500 đồng/cp, VIC giảm 1.500 đồng, KDC giảm 1.400 đồng, VNM giảm 2.000 đồng/cp, FPT giảm 900 đồng, BVH giảm 700 đồng, PVD, HPG, CSM giảm 500 đồng, GMD, REE, DPM đồng loạt giảm 400 đồng. Bluechips đang giảm khá sâu, duy nhất REE đang được mua mạnh ở vùng giá 25.000 đồng/cp, khớp lệnh 870.000 đồng.
Sàn HoSE lúc này có 130 mã giảm giá trong khi chỉ có 22 mã tăng giá.
Tại nhóm penny và midcap, ITA chỉ còn dư mua giá sàn 5.4 và giá 5.5; hầu hết các cổ phiếu midcap thanh khoản cao như PET, HAR, TCM, đều giảm điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 0,59 điểm xuống 60,82 điểm (-0,96%). Tình trạng trên sàn Hà Nội lúc này không khác nhiều so với sàn HoSe, hầu hết các cổ phiếu đều bị bán mạnh. Tuy nhiên khối ngoại đang mua vào 440.000 cổ phiếu VIG khiến mã này đang từ giá sàn lên giá tham chiếu.
Ở thời điểm hiện tại, quá trình rút vốn của nhà đầu tư quốc tế tại quỹ ETF Market Vector Vietnam chưa dừng lại. Hôm qua, quỹ này lại bị rút 50.000 đơn vị chứng chỉ quỹ, nâng tổng giá trị rút rong trong 2 tuần qua lên 8,37 triệu USD, tương đương 175,7 tỷ đồng. Thị giá của Market Vector Vietnam ETF vẫn đang giao dịch dưới NAV, tương ứng với tỷ lệ chiết khấu 1,9%, và do đó, lo ngại nhà đầu tư tiếp tục rút vốn sẽ vẫn còn.
Theo BSC, tổng cục thống kê vừa công bố các số liệu kinh tế vĩ mô quan trọng trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm. Theo đó: tổng mức bán lẻ tháng 8 tăng 12,3%; chỉ số tồn kho công nghiệp tháng 8 tăng 9% ; chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/8/2013 tăng 5,4% so với cuối năm 2012.
Nhìn chung, các chỉ số vĩ mô chính liên quan tới sức sản xuất của nền kinh tế vẫn đang đi ngang, phản ánh nền kinh tế vẫn trong trạng thái quanh vùng đáy nhưng hồi phục yếu. Tăng trưởng tín dụng còn chậm khi mà cảnh nợ xấu chưa được giải quyết.