BMSC

http://www.bmsc.com.vn


VN-Index tăng điểm 10 phiên liên tục: Vẫn còn những bất ổn

Tỷ suất lợi nhuận trên 20% trong 10 phiên vừa qua là một con số không nhỏ. Tuy nhiên một thực tế là chỉ một số NĐT mới được hưởng lãi ròng từ đợt tăng này do nhạy bén hay liều lĩnh mua vào từ sớm.
Trong suốt 10 phiên vừa qua, lượng bán ra rất ít và dư mua trần rất lớn cho thấy những NĐT chậm chân đang cố gắng tham gia vào chuyến tàu lợi nhuận tốc hành.
 
Lực đẩy thứ hai
Một điểm khá đặc biệt trong 10 phiên tăng vừa qua là các phiên điều chỉnh đã không xảy ra rõ ràng, hay nói đúng hơn là chỉ xảy ra điều chỉnh rất ngắn hạn ngay trong phiên. Những phiên đầu tiên của giai đoạn tăng trưởng tâm lý NĐT còn yếu và rất dễ xảy ra các đợt bán chốt lãi mạnh. Điều đó cũng có nghĩa là không nhiều NĐT đủ dũng cảm nhảy vào mua trong các phiên điều chỉnh.
 
Tuy nhiên vừa qua lại cho thấy một bức tranh ngược lại: Tại các phiên có điều chỉnh, lực mua lại rất lớn và nhanh chóng quét sạch số bán tháo ngay trong một đợt giao dịch. Nguồn lực đó đến từ đâu nếu không phải là các NĐT lớn tham gia? Như vậy có thể thấy thị trường đang được khơi mào và dẫn dắt bởi sức cầu chủ động của những NĐT có tiềm lực. Đó cũng là điều bình thường và là điểm xuất phát của bất kỳ đợt tăng giá nào.
 
Với mức tăng giá trên 20%, lực cầu sẽ được bổ sung bởi sự tham gia của lớp NĐT vốn thận trọng, chậm chân đã không kiềm chế nổi lòng tham. Lực đẩy thứ hai sẽ được hình thành và góp phần làm căng thẳng thêm tương quan cung cầu. Tuy nhiên đây cũng là yếu tố thiếu chắc chắn của một xu hướng tăng trưởng bền vững vì không thể xác định đúng mức sức mạnh của các nguồn tiền mới.
 
Nương theo sự vận động này có thể là một cơ hội tìm kiếm lợi nhuận lớn nhưng không hẳn dành cho tất cả mọi người và chuỗi phiên tăng điểm càng dài thì rủi ro cho những người tham gia muộn càng lớn. Quá trình tích luỹ cung đã kéo dài và sự hiện thực hóa lợi nhuận ồ ạt có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.
 
Nếu không còn một sự đỡ giá của các NĐT lớn như trong thời kỳ đầu của quá trình phục hồi thì sức cầu từ phần còn lại của thị trường sẽ khó có thể đẩy giá đi xa hơn được. Do đó rủi ro cho những NĐT tham gia thị trường muộn là khá cao. Mặt khác, đặc điểm của thị trường thời gian qua cho thấy tác hại quá lớn của tính thanh khoản yếu: NĐT kiên trì mua bằng được hàng chục phiên liên tục, đến lúc mua được lại đúng là lúc hàng được xả ra và thị trường đảo chiều. Sức mua lại biến mất và khối lượng bán lại bắt đầu xếp hàng ngày này qua ngày khác.
 
Những thống kê tuần qua cho thấy tổng cầu toàn thị trường đang tăng rất nhanh và trở lại thời kỳ hoàng kim với 47,5 triệu CK, chỉ thua mức kỷ lục 63,5 triệu CK ngày 7/3 vừa qua. Mặc dù không phải toàn bộ khối lượng này được đặt vào bên mua với nhu cầu mua thực sự nhưng rõ ràng việc cầu liên tục tăng trong 2 tuần gần đây đã chứng tỏ thị trường đang thu hút nguồn tiền trở lại giao dịch. Số lượng CP dư bán sàn giảm từ 51 mã (ngày 23/6) xuống còn 2 mã (ngày 4/7) và giá trị bán sàn giảm tương ứng từ 48,9 tỷ đồng xuống 22,4 tỷ đồng. Số lượng CP dư mua trần ngược lại, tăng từ 29 mã lên 127 mã và giá trị tăng từ 11,4 tỷ đồng lên 368,3 tỷ đồng.
 
Liên tục trong 2 tuần, giá trị dư mua mức trần luôn chiếm từ 92-98% tổng giá trị dư mua. Những con số này phần nào cũng cho thấy độ "nhiệt tình" của nguồn tiền mới: Sẵn sàng tranh mua ở hầu hết các mã và khi đa số blue-chips đã cạn cung thì dòng tiền đổ xô vào mua các CP còn lại. Trong một thị trường tăng trưởng như vậy tính đầu cơ thường rất cao và biểu hiện cụ thể là hành động tiết giảm nguồn cung. Liệu sức cầu có thực sự mạnh và thực sự tham lam như nó đang thể hiện hay sẽ dễ dàng đảo chiều chỉ với một biến động từ nguồn cung?
 
Câu chuyện tháng 7
Với những NĐT lạc quan, việc thị trường phục hồi 10 phiên liên tục là biểu hiện của một sức mạnh không thể nghi ngờ. Sự tăng trưởng đó có thể được giải thích bằng câu chuyện tháng 6 về sự cải thiện vĩ mô như lạm phát hạ nhiệt, FDI tăng lên kỷ lục, nhập siêu giảm mạnh, mặt bằng tỉ giá được ổn định...
 
Nhưng với NĐT thận trọng kiên quyết chưa tham gia thì các tín hiệu tích cực này lại được nhìn nhận dưới góc độ ngược lại: Lạm phát, nhập siêu dù giảm nhưng tính cả năm vẫn sẽ cao kỷ lục, lãi suất huy động còn tăng cao nghĩa là hệ thống ngân hàng vẫn cần vốn, giá dầu thế giới liên tiếp lập kỷ lục sẽ gây áp lực lên giá cả trong nước... Chỉ có lớp NĐT lướt sóng nhạy bén "đánh hơi" được sự vận động của nguồn tiền lớn đỡ giá là kịp "lên tàu" sớm và tận hưởng niềm vui từ một đợt sóng hiếm hoi của năm 2008. Tuy nhiên, đây cũng chính là biểu hiện của tính đầu cơ cao trong một thị trường chưa được nâng đỡ bằng các yếu tố cơ bản chắc chắn.
 
Một câu chuyện mới đang đến là câu chuyện tháng 7 với các báo cáo kết quả kinh doanh quý II. Các DN niêm yết chắc chắn sẽ có sự phân hóa đáng kể về lợi nhuận khi hoạt động phản ánh tác động của chính sách cũng như mặt bằng giá mới. Mọi thành phần thị trường đều trong tư thế sẵn sàng phản ứng với thông tin này. Việc tăng giá trần ồ ạt ở tất cả các mã đang diễn ra không phải là sự phản ánh kỳ vọng của thị trường về DN sẽ làm ăn tốt mà chủ yếu là tâm lý đầu cơ và mua theo phong trào. Làn sóng này sẽ sớm kết thúc và xu hướng thị trường có bền vững hay không sẽ được kiểm chứng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây