Vì sao các ngân hàng muốn tăng lãi suất huy động?
- Thứ sáu - 18/04/2008 14:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tạm thời trước mắt không ngân hàng nào tăng lãi suất huy động nữa. Dấu hiệu "cơn sốt" tạm ngừng, nhưng cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục tình trạng căng thẳng vốn khả dụng của một số ngân hàng.
![]() |
Nhiều ngân hàng đang muốn tăng lãi suất huy động. |
Kết quả đến chiều ngày 16.4, NHTMCP Sài Gòn (SCB) thông báo sẽ xin phép Bộ Công Thương ngừng phát hành kỳ phiếu có khuyến mãi, 2 NHTMCP ở Hà Nội tăng lãi suất cũng rút lại quyết định của mình.
Bức bối với "trần"?
Không chỉ đến chương trình phát hành kỳ phiếu, ngày 2.4 (thời điểm mà các thành viên của VNBA thực hiện đồng thuận giảm lãi suất), SCB đã thông báo lãi suất tiền gửi tiết kiệm với các mức lãi suất VND từ 13 tháng trở lên ở mức 12%/năm.
Mặc dù đa số các thành viên VNBA (trừ 2 NH quy mô quá nhỏ ở các tỉnh) đã thực hiện giảm lãi suất nhưng suốt nửa tháng nay, nhiều NHTMCP vẫn "nhấp nhổm" tìm cách lách lãi suất trần bằng các biện pháp khuyến mãi, trả lãi trước... gây ra thắc mắc, khiếu nại giữa các hội viên.
Đến đầu tuần này, thông tin Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trước mắt không duy trì việc quy định lãi suất trần, cộng với hiện tượng khách hàng rút tiền từ các NH sang mua kỳ phiếu SCB đã khiến cho tình hình lãi suất huy động NH mấy ngày qua nhốn nháo không yên. Hội sở chính và lãnh đạo nhiều chi nhánh liên tục bị các điểm giao dịch gọi hỏi về mức lãi suất nên như thế nào vì khách đến rút tiết kiệm tăng.
Ngày 16.4, VPBank và Habubank đã quyết định tăng lãi suất VND mức cao nhất, lên 12%/năm. Có thông tin một số NH tuy không công khai thông báo tăng lãi suất nhưng thoả thuận ngầm lãi suất cao (12%-14%/năm) với khách hàng có lượng tiền gửi lớn. Cuối giờ chiều 16.4, một trong những NHTMCP lớn nhất Hà Nội cho biết, nếu SCB không ngừng phát hành kỳ phiếu thì ngày hôm sau họ sẽ phải tăng lãi suất.
Một diễn biến rất đáng chú ý nữa là lãi suất thị trường nội tệ liên NH cũng từ ngày 2.4 đến nay luôn ở trong xu hướng tăng. Đến chiều qua (17.4) lãi suất cao nhất của tiền vay liên ngân hàng (LNH) kỳ hạn 1 tuần đã lên tới mức 22%/năm, (tăng gần 11% so mức lãi suất tương ứng ngày 2.4).
Nhu cầu vay của các NHTMCP nhỏ ngày càng tăng. Trong 5 NHTMNN có Vietcombank, BIDV là còn cho vay LNH đối với các NHTMCP, các NH khác thì hầu như không thấy cho vay nữa.
Một số chi nhánh của một NHTMNN cũng đang phải đi vay VND trên LNH với mức lãi suất rất cao. Tình hình trên cho thấy việc thiếu vốn VND trong hệ thống đang hiện hữu và có dấu hiệu ngày càng căng thẳng ở các NHTMCP nhỏ.
Tiền gửi đang giảm
Thời gian qua có rất nhiều tranh luận quanh việc nên đồng thuận trần lãi suất hay để thị trường tự quyết định. Lãnh đạo một số NHTMCP lên tiếng vì mức lãi suất huy động thấp nên không thu hút người gửi tiền, một số ý kiến cho rằng muốn kiềm chế lạm phát thì phải nâng lãi suất để hút tiền trong lưu thông về... cho đến nay những tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ.
Theo báo cáo của NHNN-Chi nhánh TPHCM thì tính đến ngày 16.4 so với cuối tháng 3.2008, số dư vốn huy động của các NH trên địa bàn giảm trên 9.000 tỉ đồng, trong đó tiền gửi tiết kiệm giảm rất thấp, chỉ vài trăm tỉ đồng với mức giảm 0,28% ở khối NHTMCP và 1,74% ở khối NHTMNN. Trong khi đó tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm rất mạnh.
Nguyên nhân của việc giảm tiền gửi tổ chức kinh tế theo Chi nhánh NHNN TPHCM thì có thể do lãi suất huy động ở mức ổn định thấp so lãi suất cho vay, bên cạnh đó, NH đang hạn chế cho vay vì phải thực hiện chỉ đạo khống chế mức tăng trưởng tín dụng tối đa 30% cho cả năm. Do đó, DN phải rút tiền về để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tăng lãi suất chưa hẳn đã giải quyết được vấn đề
Đang có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất (được cho là thấp) là "thủ phạm" của việc tiền gửi NH giảm mạnh, để cho lãi suất tăng sẽ giải quyết vấn đề căng thẳng về vốn cho các NH và kiềm chế được lạm phát. Trên thực tế, muốn kiềm chế lạm phát thì chỉ khi nào NHNN hút tiền về mới giảm được khối lượng tiền trong lưu thông, còn NHTM có huy động tiền gửi cũng phải cho vay lại nền kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận, không NHTM nào chỉ hút tiền về giữ lại quỹ để kiềm chế lạm phát.
Tăng lãi suất để khuyến khích người gửi tiền thì cần phải có những điều tra, đánh giá rõ hơn các khối lượng tiền nhàn rỗi trong xã hội. Nếu không đánh giá đúng điều này thì tăng lãi suất chỉ khiến cho luồng vốn chạy quanh từ NH này sang NH khác.
Số liệu thống kê về sự tăng, giảm các loại nguồn vốn qua quỹ NH của TP HCM nói trên có lẽ cũng gợi một số điều đáng suy nghĩ. Đành rằng trong nền kinh tế thị trường thì lãi suất nên để thị trường tự điều tiết nhưng có lẽ ai cũng thấy rõ hậu quả của cuộc đua tăng lãi suất hồi tháng 2 vừa rồi, khi các NH đã lao vào cuộc đua tăng lãi suất, vòng xoáy này đã suýt "nhấn chìm" một số NH và làm cả hệ thống lao đao chống đỡ.
Lãi suất cho vay thì cao vọt, tiền bị hút mạnh vào NH, phần lớn nằm tại quỹ NHTM và tài khoản gửi tại NHNN. Xã hội lo lắng không hiểu điều gì đã diễn ra với hệ thống NH. Thị trường tài chính bị ảnh hưởng.
Ai cũng biết rằng NH có yên thì nền kinh tế mới ổn. Vì vậy, tìm ra giải pháp để giải quyết tình hình lãi suất NH hiện nay là rất cần thiết. Không nên để xảy ra tình trạng tự phát tái đua tăng lãi suất, nhưng cũng không thể để tình trạng mất cân đối nguồn và sử dụng vốn của một số NH kéo dài ảnh hưởng đến tính an toàn hệ thống.
Nhiều NHTM và các chuyên gia đang kiến nghị NHNN nên có biện pháp hỗ trợ để ổn định mặt bằng lãi suất như: Xem xét cho vay tái cấp vốn đối với một số NH đang thiếu vốn khả dụng; Đáp ứng nhu cầu chào bán chứng từ có giá của các NHTM có đủ điều kiện trên thị trường mở; Kiểm tra các NHTMNN trong việc sử dụng vốn vay từ thị trường mở về cho vay lại các NH với lãi suất cao; Xem xét việc tạm thời giảm mức dự trữ bắt buộc hoặc cho phép các NH dùng giá trị giấy tờ có giá để tính vào mức dự trữ bắt buộc...
Bên cạnh đó, thời gian tới, VNBA nên tổ chức cuộc họp với các hội viên để đánh giá tình hình hoạt động NH và bối cảnh kinh tế hiện nay, nếu cần thiết nên có sự điều chỉnh lãi suất cho phù hợp hơn với tình hình. Nếu có tăng lãi suất thì cũng nên trong khuôn khổ mức đồng thuận.
Trịnh Ngọc Lan