BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Vỡ trần lãi suất

Các ngân hàng (NH) đang "xì xào" trước việc NH cổ phần Sài Gòn (SCB) huy động kỳ phiếu vượt trần lãi suất (LS) huy động của Hiệp hội NH. Thế nhưng, đã có tín hiệu cho thấy không nên có trần LS vì không mang tính thị trường.

Điều hành lãi suất vui lòng người gửi, thỏa mãn người vay là "tài nghệ" của Ngân hàng Nhà nước - Ảnh: T.V.N

Chỉ năm ngày sau khi các NH đồng loạt giảm trần LS xuống 11%/năm, SCB đã tung ra chương trình huy động 3.000 tỉ đồng kỳ phiếu với LS 1%/tháng trong khi trần LS theo thỏa thuận với Hiệp hội NH là 0,916%/tháng. Hiệp hội NH lập tức đã có thư gửi cho SCB.

Kỳ phiếu vượt trần

Một số NH cho rằng nếu không chấn chỉnh lại dẫn đến tình trạng tiền chạy, cuộc đua LS lại bùng phát. Cũng có ý kiến băn khoăn không biết NH Nhà nước sẽ xử lý ra sao, vì đây chỉ là thỏa thuận của Hiệp hội NH...

Lãnh đạo SCB cho rằng nơi này không sai. Tháng 2-2008, khi các NH chạy đua LS, NH Nhà nước đã có công điện 02 ấn định trần LS huy động là 12%/năm. Sau đó, SCB đã chấp hành, đồng thời làm các thủ tục với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công thương, để xin phát hành kỳ phiếu với mức LS là 12% và đã được chấp thuận. Thế nhưng, cuối tháng 3-2008 Hiệp hội NH đồng thuận giảm thêm trần LS huy động xuống còn 11%/năm, áp dụng từ 2-4.

Theo SCB, không thể điều chỉnh LS theo Hiệp hội NH vì như vậy là vi phạm qui định của Bộ Công thương, do đây là chương trình phát hành kỳ phiếu có khuyến mãi nên phải chấp hành đúng các qui định của bộ này.

Đến cuối tuần rồi chương trình kỳ phiếu này vẫn được SCB triển khai bình thường. Chưa xuất hiện tình trạng tiền chạy và đua LS.

Trần lãi suất, có nên?

2008 khó có lãi suất thực dương

* Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu NH Nhà nước thực hiện các biện pháp để định hướng và ổn định LS thị trường; trước mắt không duy trì việc qui định LS huy động trần; từng bước hướng tới thực hiện chính sách LS thực dương theo cơ chế thị trường. (Nguồn: văn bản số 91/TB-VPCP ngày 7-4)

* Theo các chuyên gia, nếu chỉ số giá tiêu dùng 2008 thấp nhất là 15% thì LS huy động phải trên 15% người gửi tiền mới có LS dương. Điều này khó xảy ra, do vậy năm 2008 người gửi tiền NH chưa thể có lãi suất dương. Muốn người gửi tiền có LS dương thì phải kéo chỉ số giá xuống thấp.

Câu chuyện của SCB đã khơi lại tranh luận về trần LS. Ai thiệt, ai được và mục tiêu nào đang được ưu tiên? Người gửi tiền chờ đợi cơ hội gửi tiền LS cao trở lại, còn người vay thì lên ruột vì LS đã quá cao....

Hầu hết NH đều cho rằng việc NH Nhà nước, sau đó là Hiệp hội NH đưa ra trần LS huy động đã chặn đứng cuộc đua LS huy động giữa các NH trong tháng 2-2008. Tuy nhiên, các NH cũng "trách" NH Nhà nước đã "bật đèn xanh" cho các NH chạy đua LS khi trong tháng 2-2008, nơi này đã đẩy LS liên NH lên mức chóng mặt. Nếu không có tín hiệu từ NH Nhà nước thì các NH không dại gì lao vào cuộc đua LS, để từ đó buộc NH Nhà nước phải "sửa sai" bằng trần LS.

Thế nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng việc đưa ra trần LS huy động là một bước lùi, làm sứt mẻ thành quả tự do hóa LS mà ngành NH đã thực hiện được trong nhiều năm qua. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng càng không nên có trần LS cho vay như một số đề nghị đưa ra gần đây.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng "ấm ức" khi NH Nhà nước mạnh tay chống lạm phát nhưng lại tự buông rơi thanh kiếm hữu hiệu nhất chống lạm phát, đó là LS. LS cao sẽ hấp dẫn gửi tiền vào NH. Các nước đều làm theo hướng này, như châu Âu, thời gian qua đã duy trì LS EUR rất cao để chống lạm phát. Cũng theo các chuyên gia, LS cao sẽ giúp loại bỏ những dự án "xoàng", không hiệu quả. Trước mắt, phải chấp nhận nhiều dự án không thể triển khai vì không vay được vốn, nhưng về lâu dài điều này có lợi cho chống lạm phát và là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Thị trường "không trần"

Không trần LS nhưng vẫn phải ổn định thị trường tiền tệ và không gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh là bài toán mà NH Nhà nước phải xử lý.

Gần đây, một vài NH có giảm nhẹ LS cho vay nhưng "cũng chẳng bõ bèn gì”. Theo NH Nhà nước, LS cho vay phổ biến tại các NH thương mại nhà nước ngắn hạn khoảng 14,6%/năm, trung và dài hạn khoảng 16,2%/năm; tương ứng tại các NH cổ phần là 18,42%/năm và 21,85%/năm. Thực tế LS cho vay cao hơn nhiều. Nhiều NH cho biết với mức LS đã huy động khoảng 12%/năm trước đây, nếu cộng cả dự trữ bắt buộc, chi phí... thì giá vốn không thể dưới 16%/năm.

Việc ấn định trần LS để kéo LS cho vay xuống. Tuy nhiên, một nguyên nhân khiến LS cho vay quá cao là do các NH đang phải chịu dự trữ bắt buộc ở mức cao. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đại học Kinh tế TP.HCM, thời gian qua các biện pháp kiềm chế lạm phát tập trung quá nhiều vào tiền tệ, sau này thêm thắt chặt chi tiêu công và cân đối cung cầu hàng hóa. Trong thế kiềng ba chân kiềm chế lạm phát, lúc này có thể giảm bớt gánh nặng cho giải pháp tiền tệ, nới lỏng tiền tệ, giảm dự trữ bắt buộc để giúp các NH thương mại giảm LS cho vay.

Cũng theo ông Ngân, thị trường tiền tệ đã dần ổn định, áp lực phải tăng LS chỉ rơi vào những NH có qui mô nhỏ thiếu hụt vốn. Vì vậy, NH Nhà nước cần có toa thuốc riêng để hỗ trợ về thanh khoản cho các NH này. Tháo dẫn những ngòi nổ LS cũng là cơ hội để các NH giảm LS mà không cần đến trần LS.

T.Tuyền - Hương Đào

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây