BMSC

http://www.bmsc.com.vn


Vượt qua mắt bão

Thông điệp lạc quan nhất sau phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây là chủ trương dốc toàn lực chống lạm phát đang được cụ thể hóa bằng hành động, trong đó đáng chú ý là việc Chính phủ chấp nhận hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 7,5% trong năm 2008 cũng như tuyên bố cắt giảm 10% chi tiêu công. Một loạt biện pháp cũng đã được đề cập tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia hôm 28/3.

Ông Cao Sỹ Kiêm
Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng đã trao đổi với ĐTCK về vấn đề này.

Ông nhận xét gì về quyết tâm chống lạm phát cũng như điều hành của Chính phủ qua phiên họp mới đây?

Nguyên nhân của lạm phát được đề cập nhiều, nhưng giải pháp thời gian qua mới chỉ tập trung ở chính sách tiền tệ, việc phối hợp các liều thuốc khác còn hạn chế, điều hành chưa chủ động, không linh hoạt... đã tạo ra những cú sốc đối với nền kinh tế. Nhưng tất cả yếu kém tồn tại đó đã có hướng giải quyết, cụ thể Chính phủ tuyên bố tập trung chống lạm phát, giải pháp điều hành sẽ quyết liệt hơn, có thể điều chỉnh cả mục tiêu tăng trưởng. Trong cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ tuần qua, tôi được biết, Chính phủ chỉ đạo tập trung giải quyết ngay những giải pháp có tính mở nút thắt cổ chai.

Thứ nhất, giảm nhập siêu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ nhanh, hỗ trợ về vốn, tỷ giá, giảm phí, ưu tiên mua hết ngoại tệ có nguồn gốc xuất khẩu. Đồng thời, rà soát mạnh mẽ nhập khẩu, những mặt hàng xa xỉ chưa cần thiết sẽ được kiểm soát bằng thuế (điều chỉnh lên). Ngoài ra, Chính phủ kêu gọi tiết kiệm tiêu dùng, xăng dầu…

Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm (chiếm 42,8%) trong rổ giá cả sẽ được ép xuống. Điều này hoàn toàn có thể làm được vì Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản, hơn nữa miền Bắc giá gạo hơn 10.000 đồng/kg, trong khi miền Nam chỉ có 5.000 đồng/kg, câu hỏi đặt ra là tại sao không điều tiết cung cầu giữa hai miền.

Thứ ba, các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện, than, thuốc chữa bệnh sẽ được lên kế hoạch cân đối, không cho vọt lên quá cao, đảm bảo cung cầu để từ nay đến tháng 6, giá cả chững lại hoặc đi xuống.

Điều hành lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất sẽ như thế nào, thưa ông?

Lãi suất trên thị trường ngân hàng sẽ được điều chỉnh bằng lãi suất cho vay tái chiết khấu. Nếu như trước đây thiếu vốn, ngân hàng phải tìm cách huy động từ dân cư với lãi suất cao hoặc vay lại trên thị trường liên ngân hàng bằng lãi suất cao ngất ngưởng thì hiện nay, họ có thể vay từ NHNN khoảng 9%/năm. Để mức lãi suất cao như vừa rồi thì quả thật sản xuất đình đốn hết. Quan điểm xuyên suốt ở thời điểm này là thậm chí NHNN có thể chịu lỗ để điều hành lãi suất xuống.

Một giải pháp được nhiều người dân quan tâm là Chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu ngân sách 10%, theo ông, có thể thực hiện biện pháp này bằng cách nào?

Các cơ quan nhà nước chi tiêu tiết kiệm, khống chế bằng định mức xăng dầu, điện... và nhất là tiết giảm lễ nghi, hội họp không cần thiết. Tuy nhiên, định mức khống chế ra sao, cần thông báo cụ thể rõ ràng để doanh nghiệp, người dân có cơ sở hoạch định kế hoạch, chứ cứ chung chung, họ không biết nên hành động ra sao. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, cần nỗ lực của mọi phía, Nhà nước hạ tăng trưởng; doanh nghiệp tính toán hợp lý về chiến lược phát triển, tìm mọi biện pháp, ứng dụng công nghệ để hạ giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất; người dân hạn chế các khoản chi tiêu chưa thực sự cần thiết, tiết kiệm năng lượng...

Một lĩnh vực quan trọng là TTCK đang ở cảnh "thắt lưng buộc bụng", vậy những quyết định như giảm biên độ sẽ duy trì đến bao giờ?

Cuộc họp của Hội đồng cũng có đề cập đến TTCK, nhưng quan trọng là làm sao ổn định tâm lý NĐT, khi thị trường bình tâm lại sẽ dùng cơ chế thị trường để điều hành linh hoạt dần. Tình hình hiện nay cũng giống như bão đến thì phải gồng mình lên để chống, chứ không nó sẽ cuốn phăng mọi thứ đi.

Còn chuyện khuyến nghị ngân hàng ngưng giải chấp cổ phiếu thì sao, cần làm gì để các ngân hàng ủng hộ?

Quan điểm của Chính phủ đã rõ ràng, thời điểm này nếu ngân hàng nào cũng khôn lỏi một chút, hành động vì lợi ích cá nhân, mà không tính tới lợi ích chung, lợi ích quốc gia thì khó lắm. Ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản thì đã có NHNN  hỗ trợ, nếu vẫn cứ đi ngược lại lợi ích chung thì cơ quan quản lý sẽ có những ứng xử phù hợp và khi gặp khó khăn thì đừng hy vọng có người cứu. Tôi tin, ngân hàng nào cũng biết, kinh doanh không chỉ có mỗi cho vay đầu tư chứng khoán.

Anh Việt thực hiện

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây