WB cam kết cho các nước đang phát triển vay 100 tỷ USD
- Thứ năm - 13/11/2008 10:34
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (thành viên của WB) có thể cam kết cho vay tới 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Năm nay, mức cho vay có thể lên tới 35 tỷ USD, gấp gần ba lần so với con số năm ngoái là 13,5 tỷ USD. Khoản hỗ trợ tài chính này nhằm bảo vệ người nghèo nhất khỏi bị ảnh hưởng, hỗ trợ các nước bị thâm hụt ngân sách, và giữ gìn tiềm năng đầu tư dài hạn, nhằm phục hồi và phát triển kinh tế lâu dài.
WB cũng hạ thấp mức dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển xuống 4,5% năm 2009, so với mức dự báo trước là 6,4%, vì nhiều yếu tố kết hợp như khủng hoảng tài chính, xuất khẩu tăng chậm, giá hàng hóa giảm. Tăng trưởng ở các nước có khu nhập cao sẽ giảm thêm 0,1% năm tới, và tăng trưởng chung toàn thế giới ở mức 1%.
Ông Robert B. Zoellick, Chủ tịch WB cho biết: “Cuộc khủng hoảng tài chính, đến ngay sau cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người nghèo ở các nước đang phát triển. Đối phó với cuộc khủng hoảng phải ở cấp toàn cầu, có điều phối chung, linh hoạt và nhanh. Trong khi giải quyết khủng hoảng tại các quốc gia, thì cộng đồng quốc tế cũng phải có biện pháp điều phối và hỗ trợ nhau, nhằm làm cho công tác của từng nước nhẹ nhàng hơn.”
Điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn và tăng trưởng thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các chính phủ và khả năng đầu tư vào giáo dục, y tế, giới, cũng như cơ sở hạ tầng để tăng trưởng bền vững. Thống kê cho thấy nếu tỷ lệ tăng trưởng ở các nước đang phát triển giảm 1% thì sẽ có thêm 20 triệu người lâm vào cảnh nghèo đói. Hiện đã có hơn 100 triệu người bị lâm vào cảnh nghèo đói vì giá lương thực và năng lượng cao gần đây.
Bên cạnh việc hỗ trợ các chính phủ, WB cũng đưa ra và mở rộng bốn sáng kiến của IFC, là cơ quan hỗ trợ khu vực tư nhân của WB. Bốn sáng kiến này có tổng vốn là khoảng 30 tỷ USD trong vòng 3 năm tới, bao gồm: Chương trình mở rộng thương mại, Quỹ tái cấp vốn cho ngân hàng, Quỹ chống khủng hoảng cơ sở hạ tầng, và Dịch vụ tư vấn IFC.
Cơ quan bảo lãnh tín dụng của WB cũng sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển bằng cách bảo lãnh tín dụng cho các nước đang cần thanh khoản, đặc biệt ở khu vực Đông Âu và Châu Phi.