Xác nhận hồ sơ kê khai thuế TNCN: Vướng chỗ này, mắc chỗ nọ!
- Thứ hai - 29/12/2008 21:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chị Nguyễn Ngọc Khanh, cán bộ thuế P.14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, hướng dẫn anh Lương Hớn Bảo khai thuế thu nhập cá nhân (ảnh chụp chiều 29-12) - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
TT - Gần ngày 1-1-2009, nhiều người dân TP.HCM đã bắt đầu đi xác nhận hồ sơ người phụ thuộc để được khai giảm trừ gia cảnh khi kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, việc xác nhận hồ sơ gặp đủ thứ vướng mắc.
Ngày 29-12, có mặt tại trụ sở UBND bảy phường thuộc các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình và Tân Phú, chúng tôi gặp một số trường hợp tới chứng thực bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân để nộp kèm hồ sơ đăng ký mã số thuế… Theo lãnh đạo các phường - xã, hiện chủ yếu các cơ quan, đơn vị có nhiều công nhân viên, lao động đang rục rịch triển khai đồng loạt. Riêng các hộ dân tự do có thể chưa thấy đây là việc cấp bách nên chưa tiến hành các thủ tục để nộp thuế.
Chỉ xác nhận chữ ký
Về nội dung xác nhận, lãnh đạo các phường đều cho rằng không đủ người và cũng không thể xác định được độ chính xác trong nội dung kê khai của người dân về những mối quan hệ thân nhân phụ thuộc, các nguồn thu nhập hoặc tỉ lệ mất sức lao động. “Nếu tất cả người liên quan cùng thường trú tại phường thì chúng tôi còn có thể biết được họ có quan hệ họ hàng ruột thịt, hoặc có gắn bó trách nhiệm nuôi dưỡng với nhau hay không, chứ người ở địa phương khác thì chúng tôi không thể xác nhận là đúng hay sai như người dân kê khai” - ông Hồ Văn Sạn, chủ tịch UBND phường 9, quận 5, cho biết.
Tương tự, mặc dù nắm khá sát gia cảnh người dân trên địa bàn nhưng ông Trần Văn Ngạn - chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú - nhìn nhận không thể biết những mối quan hệ họ hàng từng người, nhất là khi họ không ở cùng địa phương.
Đăng ký thuế ở TP.HCM diễn ra khá trật tự
Dù lượng doanh nghiệp đông hơn rất nhiều nhưng tình hình đăng ký thuế tại Cục Thuế TP.HCM khá trật tự. Càng gần ngày Luật thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thì lượng doanh nghiệp đến đăng ký càng đông nhưng không có cảnh chen lấn, hoặc doanh nghiệp phải đến sớm để bốc thăm…
Người đến đăng ký chỉ cần lấy số thứ tự rồi chờ đến lượt để được tư vấn, tiếp nhận hồ sơ. Cục Thuế TP.HCM cũng bố trí sẵn số điện thoại giải đáp thắc mắc để người nộp thuế liên hệ khi cần.
A.HỒNG
Do đó, UBND các phường hầu như chỉ xác nhận việc kê khai hoặc xác nhận chữ ký chứ không thể xác nhận tính chính xác của nội dung kê khai. “Chúng tôi chỉ có thể xác nhận rằng nội dung này đã được ông Nguyễn Văn A kê khai và ký tên tại UBND phường ngày mấy tháng mấy mà thôi” - ông Trần Thanh Túc, phó chủ tịch UBND phường 1, quận 3, nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - chủ tịch UBND phường 2, quận Tân Bình - cho biết gần đây phường đã nhận một số hồ sơ của người dân nhưng cũng chỉ xác nhận việc người dân có kê khai và cam kết việc kê khai, người dân tự chịu trách nhiệm về tính chính xác trước cơ quan thuế và trước pháp luật.
Cũng theo lãnh đạo các phường, với những mối quan hệ phụ thuộc ngành thuế cần có giải pháp nối mạng toàn quốc, chia sẻ dữ liệu mới có thể kiểm soát được, tránh tình trạng “một người phụ thuộc nhiều người”.
Không đủ sức khỏe = không có khả năng lao động?
Theo thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân: đối với người phụ thuộc, hồ sơ ngoài giấy tờ chứng minh mối quan hệ thì trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động sẽ phải có thêm giấy xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của ủy ban cấp xã về mức độ tàn tật, không có khả năng lao động.
Thông tin từ một số bệnh viện quận huyện cho biết những ngày qua đã có nhiều người đến khám, hoặc hỏi thủ tục khám sức khỏe để làm hồ sơ giảm trừ gia cảnh khi nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, theo một số bệnh viện, việc xác nhận về mức độ tàn tật thế nào để kết luận “không có khả năng lao động” cũng gặp nhiều vướng mắc.
Một bác sĩ phòng khám của bệnh viện quận nói đối với người bị dị tật bẩm sinh, không có khả năng tự phục vụ bản thân thì các bác sĩ dễ xác nhận là không có khả năng lao động. Thế nhưng còn nhiều trường hợp người tàn tật mà họ có khả năng và thực tế vẫn đang làm các công việc lao động khác nhau, chứ không phải là mất khả năng lao động thì rất khó xác nhận như thế nào cho hợp lý.
Theo Bệnh viện Bình Thạnh, có hàng chục người đã đến khám sức khỏe tại bệnh viện để làm hồ sơ giảm trừ gia cảnh. Do chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung, biểu mẫu khám sức khỏe nên hiện bệnh viện vẫn sử dụng biểu mẫu “phiếu khám sức khỏe” chung như đối với nhiều mục đích khám khác. Trong khi khám, bác sĩ cũng kiểm tra tổng quát về cân cặng, chiều cao, răng hàm mặt, hô hấp... theo tiêu chuẩn đánh giá chung về sức khỏe. Phần kết luận của bác sĩ sẽ đánh giá người khám “đủ sức khỏe” hay “không đủ sức khỏe”.
Một vấn đề phát sinh là nhiều người có các bệnh mãn tính như: tiểu đường type 2, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, suy thận phải chạy thận nhân tạo... có hồ sơ điều trị dài ngày sẽ được bác sĩ kết luận “không đủ sức khỏe”. Nhưng kết luận “không đủ sức khỏe” này có được coi đồng nghĩa với “không có khả năng lao động” hay không thì còn chờ quyết định của cơ quan thuế.
Theo nhiều bác sĩ, nếu dùng tờ xác nhận “không đủ sức khỏe” để coi như “không có khả năng lao động” thì số lượng người được giảm trừ sẽ rất… “kinh khủng”, bởi tỉ lệ người mắc các loại bệnh này không nhỏ! Còn muốn giám định tình trạng sức khỏe có đủ khả năng đáp ứng công việc lao động hay không (tương tự việc giám định sức khỏe trong trường hợp nghỉ hưu sớm, nghỉ mất sức) sẽ phải lập hội đồng giám định, rất phức tạp.
Thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định ngoài giấy xác nhận của cơ quan y tế, người được giảm trừ có thể xác nhận tại UBND phường xã về tình trạng tàn tật, không có khả năng lao động. Dù vậy, theo nhiều phường xã, hiện cũng chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn thế nào là “tàn tật, không có khả năng lao động”. Nhiều phường yêu cầu người xác nhận phải xuất trình giấy xác nhận của cơ quan y tế thì mới chứng. Theo trưởng phòng hộ tịch, tư pháp một quận, khi tiếp nhận thắc mắc của các phường xã, quận đã hướng dẫn đương sự viết bản khai, tự cam kết và phường chỉ làm công việc xác nhận chữ ký của đương sự (theo quy định về thẩm quyền của phường xã) trên bản khai chứ không xác định nội dung bản khai về mức độ tàn tật, không có khả năng lao động của người khai.
C.MAI - N.TRIỀU