Ba kịch bản cho chứng khoán Việt Nam năm 2024

Năm 2023 đã khép lại với việc chỉ số VN-Index đóng cửa sát 1.130 điểm, tăng 12,2% so với đầu năm. Mặc dù vậy, Nhà đầu tư vẫn có những băn khoăn và nhiều câu hỏi về tương lai cho TTCK Việt nam năm tới. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết nhận định thị trường của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Điệp – Ceo công ty tư vấn Vick về triển vọng thị trường năm 2024.
 
2023, năm của tích lũy và tái cơ cấu
Sau khi tạo đáy ở vùng 870 điểm vào cuối năm 2022, TTCK Việt Nam đã có thời gian đi ngang gần 4 tháng. Quý 1/2023 cũng là quý tạo đáy của nền kinh tế. Các chỉ tiêu tăng trưởng từ GDP, chỉ số sản xuất cho đến KQKD của các doanh nghiệp đều thể hiện bằng những con số rất thấp. TTCK là tấm gương phản ánh tương lai cho nền kinh tế. Chính vì vậy, bắt đầu từ giữa tháng 4/2023 thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc. Với chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN khi liên tiếp hạ lãi suất cơ bản, đẩy mặt bằng lãi suất huy động và cho vay xuống thấp, thì dòng tiền đã đổ vào TTCK. Thanh khoản vào thời kỳ tháng 7, tháng 8 đã lên rất cao, trung bình trên 1 tỷ $ cho 1 phiên. Cùng với thanh khoản thì chỉ số VN-Index đã chạm mức 1.250, nhiều cổ phiếu đã tạo đỉnh trong năm. 
 
Tuy nhiên, vấn đề tỷ giá đã làm cho thị trường bước vào nhịp điều chỉnh khá dài. Từ giữa tháng 9/2023 cho đến đầu tháng 11/2023 chỉ số đã mất hơn 200 điểm, một số cổ phiếu đã giảm 30%-40% so với đỉnh. Ngày 1/11/2023 thị trường đã xác lập đáy tại 1.023 và bắt đầu phục hồi. Sự phục hồi này lại gặp một số trở ngại lớn khi xuất hiện câu chuyện khối ngoại bán ròng. Lý giải việc khối ngoại bán ròng có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng lực bán đến từ nhóm NĐT Thái Lan khi họ bị thay đổi chính sách thuế. Có ý kiến khác lại cho rằng lực bán đến từ việc một số quỹ đầu tư cơ cấu danh mục, cắt lỗ những khoản đầu tư không hiệu quả, để chờ mua cổ phiếu cho chu kỳ mới 2024. Ngoài ra, một số ETF cũng ra vào quá nhanh, dẫn đến một vài thời điểm lực bán ròng của khối ngoại lên rất cao.
 
Tổng hợp lại, chúng ta nhận thấy TTCK Việt Nam năm 2023 dù có những phục hồi nhất định, nhưng chưa hoàn toàn làm thỏa mãn kỳ vọng của NĐT, cũng như chưa tương xứng với bối cảnh kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đây là điều hợp lý bởi thị trường cần một khoảng thời gian để thẩm thấu các thông tin về việc tái cấu trúc. Vụ việc Vạn Thịnh Phát là rất nghiêm trọng, dù đã xảy ra từ 2022 nhưng sẽ mất thời gian khá lâu để chiết khấu đủ thông tin về những thiệt hại gây ra cho nền kinh tế Việt nam. Những câu chuyện về nợ vay trái phiếu của một số tập đoàn và doanh nghiệp cũng được nỗ lực xử lý, tháo gỡ trong năm qua. Nhìn dưới góc độ phân tích TTCK chúng ta lại khá lạc quan khi nhận thấy dù khối ngoại bán ròng lớn, nhưng thanh khoản thị trường duy trì ở mức 12.000 tỷ-14.000 tỷ cho một phiên trong suốt 3 tháng cuối năm. Điều này chứng tỏ thị trường tích lũy tích cực chờ đợi cơn sóng lớn của năm 2024-2025.
 
2024, năm bản lề của chứng khoán Việt Nam
Có 3 đại lượng cốt lõi cấu thành lên xu hướng của TTCK. Đó là chính sách vĩ mô, định giá và dòng tiền. Ngoài ra, do TTCK Việt Nam còn khá nón trẻ, đại bộ phận là các NĐT cá nhân còn thiếu kinh nghiệm, nên xu hướng thị trường cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, bởi tin đồn và một số yếu tố khác.
 
Xét yếu tố vĩ mô, thế giới đang ở cuối của chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Khả năng cao từ tháng 3/2024 Fed bắt đầu giảm lãi suất. Kinh tế Mỹ cũng thể hiện bộ mặt tươi sang khi xác suất rơi vào suy thoái là rất thấp. Chính sách vĩ mô trong nước tương đối thuận lợi cho môi trường đầu tư, hỗ trợ cho sự phục hồi SXKD. Bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ, Chính phủ sẽ ưu tiên cho tăng trưởng để GDP năm 2024 sẽ trở lại vượt 6%. Trong tháng 1/2024 quốc hội sẽ họp để thông qua luật đất đai mới. Hy vọng đây là cú hích để gỡ băng cho thị trường BĐS.
 
Về yếu tố định giá, hiện thị trường ở vùng trung bình thấp trong vòng 5 năm qua. Chỉ số P/E trung bình chỉ dưới 14, đặc biệt P/B dưới 1,5, đang thể hiện thị trường đủ sức hấp dẫn cho đầu tư. Nếu dự báo rằng EPS của các DNNY sẽ tăng khoảng 18%-24% trong năm 2024 thì P/E sẽ còn giảm rất mạnh. Một trong những vấn đề mũi nhọn của nền kinh tế là cầu nội địa, hiện thị trường bán lẻ đang có dấu hiệu tạo đáy vào quý 3/2023. Khi thị trường bán lẻ khởi sắc, sẽ kéo theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều dòng.
 
Về yếu tố dòng tiền thì chứng khoán vẫn là kênh có sức hút tốt. Trong những ngày cuối năm rộ lên việc giá vàng nhảy múa. Nhưng đầu tư vào vàng luôn rất mạo hiểm bởi tính đầu cơ cao, giá vàng bất cứ lúc nào cũng có thể rơi mạnh, sự chênh lệch giá mua và giá bán. Kênh nhà đất cũng chưa thể tan băng, mua vẫn tiềm ẩn sự chôn vốn lâu.
 
Một trong những điều NĐT kỳ vọng cho năm 2024 là việc Việt Nam lọt vào rổ xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hệ thống KRX sẽ triển khai trong năm 2024 cũng giúp thỏa các yêu cầu về định lượng. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng năm 2024 là năm bản lề cho việc đáp ứng các tiêu chí để Việt nam chính thức nâng hạng vào cuối 2025.
 
Ba kịch bản TTCK năm 2024
Từ những phân tích trên, Vick đã xây dựng 3 kịch bản của TTCK Việt Nam năm 2024.
 
Kịch bản cơ sở: thị trường tích lũy tích cực và đi lên trong nửa đầu của năm 2024. Sẽ có thời điểm VN-Index chạm 1.300. Sau đó thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh. Cuối năm có sự phục hồi và đóng cửa vùng 1.250-1.280. Xác suất của kịch bản này là 60%. 
 
Kịch bản tích cực: ngay trong thời gian quý 1/2024 VN-Index sẽ vượt qua mốc đỉnh của năm 2023 là 1.250. Đà tăng này sẽ kéo dài đến đầu quý 3/2024, đẩy chỉ số lên mức 1.380-1.400. Dù cuối năm có sự điều chỉnh nhất định, nhưng vẫn kết thúc ở vùng 1.320-1.350. Xác suất của kịch bản này là 20%.
 
Kịch bản tiêu cực: trong một vài thời điểm VN-Index vượt lên mốc 1.250, nhưng tốc độ phục hồi chậm chạp của nền kinh tế, cũng như có thể xuất hiện thêm một số vụ việc sai phạm lớn, làm cho chỉ số đóng cửa năm 2023 quanh mức 1.100-1.120. Xác suất của kịch bản này là 20%.
 
Việc xây dựng các kịch bản thị trường không phải là đoán chỉ số. Đó là công việc cần làm để có những phương ứng xử phù hợp. Và quan trọng hơn hết, vẫn là tìm kiếm những nhóm ngành, những mã cổ phiếu có khả năng mang lại hiệu suất đầu tư cao. Năm 2024 chúng tôi nghiêng về 3 nhóm trọng tâm là Ngân hàng, Bán lẻ và Logistic. Những nhóm phổ thông được dòng tiền thị trường ưa thích như Chứng khoán, Dầu khí, Thép, Đầu tư công, Xây dựng, BĐS, KCN, vẫn sẽ có sự tăng trưởng tùy theo sự biến đổi của VN-Index.
 
Nguyễn Hồng Điệp
Đời sống Pháp luật
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây