MBS: Mua cổ phiếu khi điều chỉnh là chiến lược của năm 2022

Tại hội thảo MBS Talk 21 với chủ đề "Vững vàng đi lên: Cơ hội thị trường khi kinh tế hồi phục", Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên Cứu Khách hàng Cá Nhân MBS cho biết trong quá khứ, thị trường chứng khoán thế giới thường tăng chậm lại hoặc có nhịp điều chỉnh khá mạnh khi FED bắt đầu dừng chương trình QE. Nhưng đó cũng chỉ là diễn biến ngắn hạn, thường sau đó thị trường tăng trưởng nhờ động lực từ sự phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp. 
 
Diễn biến thị trường cũng phản ứng khá thận trọng trước lần tăng lãi suất đầu tiên nhưng sau khi tăng lãi suất xu hướng thị trường đều sẽ tăng trở lại nhất là khi lộ trình lãi suất đã được công bố trước và mức tăng lãi suất với tốc độ thấp và hợp lý. Cụ thể, trong cả 3 đợt FED tăng lãi suất cơ bản gần đây (giai đoạn 1998 – 2000, 2004 – 2007 và 2016 – 2018), chỉ số S&P 500 đều có xu hướng tăng trong 3 đến 6 tháng sau lần tăng lãi suất đầu tiên. Chứng khoán chỉ tạo đỉnh khi Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu giảm lãi suất, đặc biệt là các lần hạ lãi suất khẩn cấp từ 0.5% - 0.75%. Chính vì vậy, chiến lược đầu tư trong năm 2022 cần quan sát kỹ trước các lần tăng lãi suất của FED dự kiến vào tháng 3 và tháng 6 tới, nếu có nhịp điều chỉnh sâu là cơ hội để NĐT có thể mua vào với các vùng giá hợp lý. Chiến lược Buy the Dip, mua trong các nhịp chỉnh là chiến lược phù hợp trong năm 2022.
 
Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS và Khách mời – Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment đánh giá với bối cảnh lạm phát hiện tại, Fed sẽ tăng nhanh tốc độ nâng lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối tài sản, tuy nhiên, đây là điều thường xảy ra vào giữa chu kỳ tăng trưởng. Ông Trung chia sẻ một góc nhìn từ Passion là chứng khoán thường chỉ đi xuống khi GDP tạo đỉnh, với bối cảnh hiện tại, điều này sẽ chưa sớm xảy ra.  
 
Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng từ gói hỗ trợ kinh tế 
Về kịch bản thị trường năm 2022, ông Trần Hoàng Sơn dự báo chỉ số Vn-Index có thể đạt được ngưỡng 1.630 điểm đến 1.720 điểm năm 2022 trong điều kiện thanh khoản toàn thị trường có thể duy trì ở mức 27.000 tỷ đồng/phiên đến 31.000 tỷ đồng/phiên. Động lực của thị trường sẽ đến từ 1/ gói hỗ trợ kinh tế với tổng giá trị lên tới 347.000 tỷ đồng có thể giúp GDP tăng trưởng lên mức 6,5% trong năm 2022 2/ hoạt động thoái vốn nhà nước với các doanh nghiệp như SAB, FPT, BVH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - công ty mẹ (VNPT)…và 3/triển vọng nâng hạng thị trường. "Tôi kỳ vọng rằng, sau 2 -3 năm tới, thị trường sẽ tiếp tục hình thành nên con sóng lớn thứ 4 mang tên "nâng hạng thị trường" Ông Sơn chia sẻ. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ở vị trí thuận lợi để được nâng hạng lên trạng thái mới nổi sớm nhất vào năm 2023 hoặc muộn nhất vào năm 2025. Việc Việt Nam đưa vào Chỉ số FTSE EM sẽ thu hút ít nhất 355 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, trong khi đó, việc Việt Nam được đưa vào Chỉ số MSCI EM có thể thu hút ít nhất 327 triệu USD. 
 
Danh mục cổ phiếu đầu tư năm 2022
Tại hội thảo MBS Talk 21, MBS đã đưa ra khuyến nghị với 22 mã cổ phiếu với tiềm năng tăng trưởng trung bình 26% cho năm 2022. 3 nhóm cổ phiếu được MBS đặc biệt khuyến nghị là: 1/ nhóm BĐS (tập trung vào các mã BĐS vốn hóa lớn); 2/ nhóm cổ phiếu ngân hàng cổ phần cỡ lớn (MBB, TCB, VPB) với upside từ 30%- 50% và 3/ nhóm cổ phiếu điện để đón đầu các dự án điện lớn sẽ được triển khai trong năm 2022. Đặc biệt, MBS đánh giá nhóm ngành ngân hàng tiếp đà tăng trưởng cao sau gián đoạn bởi dịch Covid-19 do: 1/ Chất lượng tài sản tiếp tục được nâng cao nhờ các chính sách hỗ trợ của NHNN cũng như chiến lược chủ động đảm bảo chất lượng tài sản của các NHTM. Tỷ lệ nợ xấu sẽ cải thiện trong năm 2022 cũng như tỷ lệ bao nợ xấu sẽ tiếp tục được duy trì; 2/ NIM tiếp tục được kỳ vọng sẽ gia tăng trong năm 2022 khi mà NHNN tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì lãi suất thấp. Cuối cùng, hoạt động tăng vốn cũng là một trong những điểm nhấn chú ý của ngành trong năm 2022 khi hàng loạt các ngân hàng công bố kế hoạch bán vốn cho các cổ đông chiến lược như VPB, OCB, VIB…  
 
Cùng chia sẻ về phương pháp đầu tư tại hội thảo, ông Lã Giang Trung cho biết Ông thường lựa chọn: 1/ những mã cổ phiếu tốt và được bán rẻ và 2/ những cổ phiếu có tiềm năng và tài sản lớn được "unlock" giá trị. Ông cũng đánh giá trong năm 2022, thị trường sẽ đi lên nhưng mức tăng trưởng ở mức vừa phải, điều rất phù hợp với một năm giữa chu kỳ tăng trưởng với kỳ vọng Vnindex sẽ vượt 1,600 điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Blue chip, nhóm VN30. Trong khi đó, nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ đã tăng quá mạnh nên hiện không còn hấp dẫn với phong cách đầu tư của ông. Với tiêu chí hiện tại, Passion Investment lựa chọn các cổ phiếu trong ngành xây dựng, bán lẻ và xuất khẩu là nhóm cổ phiếu hiện vẫn "tiềm ẩn sự bất ngờ" với thị trường. 
 
Danh mục cổ phiếu do các chuyên gia đề xuất hơn một năm trước tại MBS Talk 19 đã đạt hiệu quả sinh lời 105% so với mức tăng trưởng chỉ 37% của Vnindex, trong đó nhiều mã cổ phiếu đã vượt xa cả kỳ vọng.
 
Để tham khảo danh mục tư vấn cụ thể cũng như kinh nghiệm đầu tư quý báu đã giúp các chuyên gia thành công khi đầu tư chứng khoán, Nhà đầu tư có thể tham khảo nội dung hội thảo và download báo cáo chiến lược 2022 trên kênh youtube chính thức của MBS tại địa chỉ https://www.youtube.com/c/ChungKhoanMBS.
 
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây