Thấy gì từ động thái giảm mua ròng của khối ngoại thời gian gần đây?

Sau thời gian biến động, VN-Index dần lấy lại cân bằng và hồi phục mạnh mẽ. Dù thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giằng co, song chỉ số cũng đã lấy lại hơn 20% kể từ vùng đáy phiên 16/11.
 
Một trong những động lực giúp thị trường bứt phá chính là sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền khối ngoại. Lực mua rất quyết đoán với giá trị mua ròng nhiều phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những giai đoạn khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
 
Tuy nhiên, động thái mua ròng của khối ngoại đang chậm lại rõ rệt trong những phiên gần đây khi thị trường đã hồi phục tương đối. Tuần qua, khối ngoại vẫn duy trì mua ròng gần 1.900 tỷ đồng. Nhưng nếu so với những tuần trước đó, con số này đã giảm đi đáng kể. Thậm chí, nếu xét về mặt khối lượng, nhà đầu tư nước ngoài đã đứt chuỗi mua ròng từ phiên 14/12 trước đó. Vậy liệu sự chậm lại của khối ngoại có đáng ngại?
 
Bàn về động thái giảm tốc mua ròng của khối ngoại, tại Talkshow Chọn danh mục "Chờ tín hiệu tích cực" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Huỳnh Minh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT cho rằng thị trường đã bước vào vùng phân hoá sau khi phục hồi mạnh mẽ nhờ dòng vốn ngoại.
 
Quy mô và cường độ của khối ngoại giảm có thể bắt nguồn từ 2 yếu tố là lượng mua họ đã giải ngân phần lớn ở vùng giá thấp thì giai đoạn sắp tới họ sẽ giảm cường độ mua. Bên cạnh đó, yếu tố tính mùa vụ lễ Noel họ sẽ nghĩ dài cho tới đầu năm sau mới quay lại mua ròng. Giai đoạn này chúng ta cần hiểu rằng thị trường không thể lên cùng lên 20-25% mà sẽ có sự phân hoá.
 
Trong vòng gần 2 tháng, lượng mua ròng của khối ngoại thông qua các quỹ ETF và quỹ đầu tư thông qua các ngân hàng giải ngân vào thị trường VN hơn 1 tỷ USD. Đây cũng là đợt mua ròng lớn nhất 10 năm qua của thị trường.
 
Nguyên nhân khối ngoại mua ròng đột biến là bởi nhà đầu tư tài chính thường có độ “nhạy” khá lớn. Giai đoạn hiện tại động thái của FED không còn khó đoán nữa cộng thêm bối cảnh vĩ mô thuận lợi và nhiều yếu tố ủng hộ dòng tiền vào thị trường cận biên đã khiến các "cá mập" toàn cầu vào bắt đáy.
 
Bởi lẽ, định giá thị trường đã chiết khấu rất sâu, trong khi sức khoẻ nội tại vẫn ổn định. Vấn đề của thị trường là khủng hoảng thanh khoản, song khi vượt qua khủng hoảng thanh khoản, nới lại cung tiền thì bài toán sẽ có lời giải.
 
Bên cạnh đó cũng cần nhắc đến một yếu tố kỹ thuật là margin. Nếu như đầu quý 1/2022 lượng margin gần 250.000 tỷ, tương ứng gần 10,5 tỷ USD thì hiện chuyên gia dự đoán chỉ còn khoảng 40%, tức là thị trường đã giảm đòn bẩy và khá ổn định.
 
Ông Tuấn cho rằng vốn ngoại vào ào ạt nhưng sẽ không nhanh rút vốn ít nhất cho đến khi thị trường tăng rất nhanh về vùng trung bình 10 năm qua thì có thể họ sẽ bán để chốt lời.
 
"Đây không phải giai đoạn bi quan nữa, bởi những khó khăn gần như đã vượt qua. Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục giải ngân vào thị trường khi mức định giá vẫn duy trì quanh đây và sẽ không dừng lại con số 1 tỷ USD. Hiện tượng giảm mua của khối ngoại thời gian gần đây do họ đang nghỉ dài Noel tết tây, sang năm sẽ dồi dào hơn", ông Huỳnh Minh Tuấn nhận định.
 
Chuyên gia nhìn thấy có ba dòng vốn ngoại từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Mỹ. Vốn ngoại trên thị trường có 3 luồng chính (1) Các quỹ chủ động có bộ phận nghiên cứu thiên về lựa chọn doanh nghiệp, đầu tư. (2) Các quỹ thụ động phân bổ vào các rổ chỉ số ETF. (3) Các quỹ ẩn danh, pháp nhân ngoại mà không phải quỹ…
 
Đặc biệt, các ETF khu vực Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan rất quan tâm thị trường Việt Nam bởi cho rằng chúng ta đang tái lập như họ 10-20 năm trước. Những dòng vốn ở đây mang tính trung và dài hạn nên chưa thấy tín hiệu đảo chiều dòng vốn ở đây.
 
Lý giải về việc quỹ ngoại bán ào ạt, chuyên gia cho rằng là do các hedgefund bị rút vốn. Có thể kể tới quỹ lớn nhất trên thị trường bị rút vốn rất mạnh nên phải bán cổ phiếu để cân đối vốn cho NĐT rút về.
 
Hạ Anh
Nhịp sống thị trường
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây