Từng làm mưa, làm gió trên thị trường, các “siêu cổ phiếu” DIG, CEO, L14 và “họ” FLC giờ ra sao?

Thị trường chứng khoán đang trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, VN-Index phải “chật vật” giữ ngưỡng quan trọng 1.200 điểm trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực. Không khí ảm đạm bao trùm thị trường, khác hẳn so với giai đoạn bùng nổ kéo dài trong suốt cả năm ngoái đến đầu năm nay. Trong bối cảnh đó, các siêu cổ phiếu từng “làm mưa, làm gió” trên thị trường cũng trôi dần về đáy.

3 cổ phiếu bất động sản “đình đám” trượt dài
Đầu tiên phải kể đến bộ 3 cổ phiếu bất động sản “đình đám” DIG, CEO và L14 đã từng được bàn tán trên khắp các diễn đàn về chứng khoán giai đoạn cuối năm ngoái. Cùng với “cơn sốt” giá nhà đất, các cổ phiếu này cũng lớn nhanh như thổi. DIG và L14 lần lượt tăng gấp 4 và 5 lần sau hơn 3 tháng, thậm chí CEO còn tăng gấp 7 lần chỉ trong 2 tháng.

Cả 3 cổ phiếu trên đều đạt đỉnh vào đầu tháng 1 năm nay trước khi cú “sập hầm” đầu giá đất Thủ Thiêm diễn ra. Thời điểm đó, L14 còn là cái tên đắt đỏ nhất sàn chứng khoán và là cổ phiếu duy nhất có thị giá trên 400.000 đồng/cổ phiếu (chưa điều chỉnh). Thậm chí, một số nhà đầu tư nắm giữ DIG, CEO, L14 còn mơ về những mức giá không tưởng.

Thế nhưng, niềm vui cũng chẳng kéo dài được lâu khi con sóng nhanh chóng rút đi kéo theo các cổ phiếu bất động sản đồng loạt điều chỉnh mạnh. Chưa kịp hồi về đỉnh cũ, những động thái thanh lọc, giám sát thị trường trái phiếu sau sai phạm của Tân Hoàng Minh lại mang đến sóng gió cho thị trường.

Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng nóng trước đó đã liên tục lao dốc mạnh. Thị giá DIG và CEO đều chỉ còn 1/3 so với đỉnh trong khi L14 cũng “bốc hơi” 77% sau gần 9 tháng và đều đang trôi dần về vùng đáy một năm. Thành quả tăng giá của con sóng đầu cơ trước đó cũng gần như đã bị “thổi bay”.

Cổ phiếu lao dốc sau thời gian tăng nóng khiến cổ đông cũng dần thoái trào và dường như không còn “mặn mà” với những kế hoạch của công ty. Điển hình như DIG không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 do không đủ số lượng cổ đông tham dự. Kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu cũng phải điều chỉnh giảm giá chào bán một nửa so với phương án ban đầu được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Dự kiến, DIG sẽ trình cổ đông phương án chào bán tối đa 100 triệu cổ phiếu với giá bán 15.000 đồng/cổ phiếu tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2 tới đây.

Trong khi đó, CEO cũng đang có kế hoạch phát hành 257,3 triệu cổ phiếu bao gồm hơn 5,1 triệu cổ phiếu ESOP và 252,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn gấp đôi lên 5.146 tỷ đồng. Giá chào bán dự kiến đều là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền thu được 2.573,4 tỷ đồng.

CEO dự kiến sẽ dùng 800 tỷ đồng đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences và tăng vốn cho CTCP Đầu tư và Phát triển du lịch Vân Đồn (1.000 tỷ), Công ty TNHH C.E.O Quốc tế (200 tỷ), CTCP Đầu tư và Phát triển Nha Trang (200 tỷ), CTCP Đầu tư và phát triển Phú Quốc (105 tỷ), CTCP Xây dựng C.E.O (51 tỷ) và phần còn lại bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa chốt thời gian cụ thể để thực hiện phương án tăng vốn.

Gây thất vọng nhất có lẽ là L14 khi cổ phiếu này bị HNX đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) từ ngày 19/8 do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 trên BCTC bán niên soát xét là số âm. Mặc dù đã dùng thủ thuật để chuyển L14 FI từ công ty con sang công ty liên kết thông qua ESOP, nhưng L14 vẫn không đủ xóa lỗ. Trước đó, doanh nghiệp này từng gây sốc khi lãi kỷ lục hàng trăm tỷ năm 2021 nhờ 2 cổ phiếu DIG và CEO.

Cổ phiếu “họ” FLC đồng loạt bị “tuýt còi”
Cũng đạt đỉnh vào đầu tháng 1 năm nay nhưng những gì diễn ra sau đó với nhóm cổ phiếu “họ” FLC còn đáng buồn hơn nhiều. Vụ bán chui của ông Trịnh Văn Quyết bị phanh phui đã nhanh chóng đẩy một loạt cổ phiếu gồm FLC, ROS, HAI, AMD, ART, KLF xuống vực thẳm.
Liên tục lao dốc với nhiều phiên nằm sàn, FLC đã giảm 84% từ đỉnh 10 năm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trước khi bị đình chỉ giao dịch do vi phạm về công bố thông tin. ROS và HAI cũng đều đã “bốc hơi” hơn 80% thị giá trước khi bị đỉnh chỉ giao dịch cũng với lý do tương tự.

Trong khi đó, các cổ phiếu “họ” FLC vẫn còn được giao dịch trên sàn như AMD, ART và KLF cũng đều đã giảm 80-85% so với thời điểm đạt đỉnh hồi tháng 1 năm nay. AMD đang trong diện cảnh báo của HoSE trong khi ART và KLF đang trong diện kiểm soát của HNX cùng với lý do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét dù quá thời gian quy định.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 tổ chức tối 6/9, trả lời câu hỏi về điều kiện để cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết các doanh nghiệp này phải khắc phục được những vi phạm khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết và có nguyện vọng giao dịch trở lại, khi đó các cơ quan quản lý sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.

Mới đây, FLC đã công bố thông tin về việc thay đổi đơn vị kiểm toán các Báo cáo tài chính năm 2021. Theo đó, FLC đã ký kết Hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY (UHY), UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty.

Trước đó, trong công văn phúc đáp gửi UBCKNN và HoSE về việc công bố thông tin và giải trình nguyên nhân, biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch, FLC kỳ vọng có thể phát hành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 dự kiến trong tháng 9 năm nay và đại hội cổ đông thường niên năm 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 11/2022. Trên cơ sở quyết định của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, các báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét dự kiến sẽ được công bố vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, FLC vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Trên thực tế, ngoài những cái tên kể trên, còn nhiều cổ phiếu từng tăng nóng trong giai đoạn cuối năm ngoái đã lao dốc mạnh trong khoảng nửa năm trở lại đây. Dù vậy, về mức độ phổ biến, bộ 3 DIG, CEO, L14 và nhóm cổ phiếu “họ” FLC có thể coi là những đại diện tiêu biểu nhất cho sóng đầu cơ trước đó. Dòng tiền đầu cơ đến bất ngờ nhưng rút đi cũng rất nhanh và chỉ có nền tảng cơ bản của doanh nghiệp mới là động lực giúp cổ phiếu tăng trưởng bền vững.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây