Nga bất ngờ tăng nhập khẩu một mặt hàng của Việt Nam gấp 3 lần trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam lọt Top 3 sản lượng của thế giới

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các sản phẩm từ cao su trong tháng 11 đạt hơn 93 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% so với tháng 10/2023. Lũy kế 11 tháng đầu năm, các sản phẩm từ cao su đã thu về hơn 987 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 khách ‘ruột’ của các sản phầm cao su từ Việt Nam với trị giá lần lượt là 320 triệu USD, 161 triệu USD và 86 triệu USD. Tuy nhiên xét về mức tăng trưởng, Nga đang là quốc gia tăng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam mạnh nhất kể từ đầu năm 2023.
 
Cụ thể từ đầu năm đến nay, Nga chi hơn 10 triệu USD để nhập khẩu các sản phẩm cao su của nước ta, tăng 175% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên thị phần của Nga chỉ chiếm rất nhỏ chưa đến 1% trong cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng này của nước ta. Trong năm 2022, Nga đã chi hơn 5,15 triệu USD để nhập khẩu các sản phẩm từ cao su của Việt Nam, tăng 56,64% so với năm 2021. Như vậy trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su đã tăng gấp đôi kim ngạch của cả năm 2022 cộng lại.
 
Mặc dù chỉ chiếm chưa đến 1% tuy nhiên trong ngành hàng cao su và các sản phẩm từ cao su, Nga được đánh giá là một thị trường tăng trưởng tốt khi liên tiếp tăng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Theo dự báo, nhập khẩu cao su tổng hợp của Nga dự kiến sẽ đạt 235 triệu USD vào năm 2026 với nhu cầu tăng 5,9% mỗi năm.
 
Năm 2021, Nga là nhà nhập khẩu cao su tổng hợp lớn thứ 24 với 210 triệu USD, sau Romania, Mỹ, Đức và Malaysia. Dự báo trong nửa cuối năm 2023, Nga vẫn tiếp tục là một thị trường tiềm năng cho cao su và các sản phẩm từ cao su của Việt Nam.
 
Về tình hình xuất khẩu, trong 11 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu sang Nga đạt kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) ngành cao su Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ năm về diện tích, thứ ba về sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới và dẫn đầu về năng suất trong khu vực châu Á với diện tích hơn 929,5 ngàn ha và sản lượng đạt gần 1,29 triệu tấn (tính đến năm 2022). Tại Châu Á, các nước dẫn đầu về sản lượng cao su bao gồm Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Năm 2016, nguồn cung từ 6 quốc gia này năm chiếm 86,6% tổng sản lượng cao su toàn cầu.
 
Cao su được dùng để làm săm, lốp, làm các chi tiết của một số đồ điện, máy móc và các đồ dùng trong nhà, đồ chơi, dụng cụ thể thao,...Theo Vifores, nguyên liệu cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su, gỗ cao su và đồ gỗ được làm từ gỗ cao su được xác định là 3 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành cao su hiện nay.
 
Như Quỳnh
Nhịp sống thị trường
 

Nguồn tin: cafef.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây