Doanh nghiệp dựa vào sức mình hơn là trông chờ chính phủ

Việt Nam vẫn sẽ là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư trong tương lai (Ảnh: Hà Linh)

Đây là kết quả về Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2008 do Ban thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiến hành vào tháng 9/2008 tại 254 doanh nghiệp (DN) thuộc 3 thành phố lớn ở Việt Nam là Hà Nội, TP. HCM và Cần Thơ.

13% DN lạc quan về triển vọng năm 2009 - 2010

Theo đó, báo cáo năm nay cho kết quả: Hầu hết các DN thuộc đối tượng khảo sát chỉ trông đợi một môi trường kinh doanh “tam được” thay vì mong đợi một môi trường kinh doanh “tốt” như trong Báo cáo điều tra cảm nhận của năm 2007. Cụ thể là năm 2007 chỉ có 5,3% các DN đánh giá môi trường kinh doanh ở mức “kém”, trong khi năm 2008 tỷ lệ này lên tới 30%.

73% DN khi được hỏi cho biết các khó khăn kinh tế vĩ mô có tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, trong khi chỉ có 13% các DN vẫn lạc quan về triển vọng của những năm sắp tới (2009 - 2010).

Hầu hết các DN cho biết sẽ tập trung vào các nguồn lực sẵn có để duy trì các lĩnh vực kinh doanh chính và các thị trường quen thuộc, đồng thời giảm các khoản chi phí và thu hẹp quy mô kinh doanh. Các DN cũng xem đây là thời điểm cần phải củng cố, rà soát lại công tác quản lý, đào tạo nhân lực, và xây dựng lại bộ máy tổ chức của DN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Song theo ông Sin Foong Wong, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, mặc dù không đánh giá cao triển vọng môi trường kinh doanh trong năm 2008 (mức xếp hạng là 1,89%), nhưng cả DN trong và ngoài nước đều lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của những năm sắp tới – thể hiện qua mức xếp hạng cao hơn cho năm 2009 (mức xếp hạng là 2,33), và mức xếp hạng cuả năm 2010 – 2011 (mức xếp hạng là 2,79) đã quay trở lại mức lạc quan của năm 2007 (mức xếp hạng là 2,67%).

 

Các DN hài lòng về chỉ số “tiếp cận thông tin” với điểm số đạt tốt nhất -2,45/4.

 

“Điều này chứng tỏ các DN tin tưởng vào khả năng Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức, bình ổn kinh tế vĩ mô, và môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới”, ông Sin Foong Wong nhấn mạnh.

Có một điều khá thú vị là hầu hết các DN đều suy nghĩ tự dựa vào sức mình là chính để vượt qua các khó khăn của nền kinh tế hiện tại thay vì mong muốn nhận sực hỗ trợ từ phía Chính phủ.

“Điều này cho thấy các DN Việt Nam đã trở lên lớn mạnh hơn”, Báo cáo nhận định.

Các rào cản cho phát triển doanh nghiệp

Theo 13 chỉ số yêu cầu để đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam năm 2008, các DN thuộc đối tượng khảo sát cho phát hiện chung đó là chỉ số “tiếp cận thông tin” đạt điểm tốt nhất -2,45/4 và “cơ sở hạ tầng” đạt điểm kém nhất -1,94/4.

So với cuộc điều tra năm 2007, “cơ sở hạ tầng” vẫn là cản trở lớn nhất cho sự phát triển của DN trong năm 2008. Điện năng thiếu hụt và không ổn định, cảng biển tắc nghẽn, giao thông đường bộ yếu kém đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của DN. Điều này làm tăng chi phí kinh doanh, do đó làm giảm tính cạnh tranh của DN Việt Nam.

Báo cáo đưa ra khuyến nghị, “trong tình hình kinh tế tài chính bất ổn như hiện nay, khi nguồn vốn ngân sách bị co hẹp thì việc huy động vốn đầu tư và kinh nghiệm quản lý của khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng là cần thiết. Chính phủ nên đưa ra các hoạt động hỗ trợ cụ thể trong lĩnh vực đầu tư, ví dụ như : Ban hành khung pháp lý, phân chia rõ vai trò của DN và cơ quan quản lý, cải thiện khả năng hoàn vốn của các dự án, thúc đẩy cạnh tranh”.

Ngoài chỉ số “cơ sở hạ tầng”, “bảo vệ sở hữu trí tuệ”, “hệ thống tòa án”, “hiệu quả của dịch vụ tài chính”, và “nguồn cung lao động có tay nghề chuyên môn cao” là các lĩnh vực mà các doanh nghiệp đánh giá kém tiếp sau, đồng thời cũng là lĩnh vực cần cải thiện nếu Việt Nam muốn duy trì tính cạnh tranh của mình.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây