Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác THTK, CLP năm 2013 có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được tăng cường và hiệu quả hơn, sử dụng NSNN đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm kinh phí.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chỉ ra 7 lĩnh vực hạn chế, tồn tại mà Báo cáo của Chính phủ chưa nêu, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng NSNN.
Ông Hiển cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước.
Song, tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB vẫn là điểm đáng chú ý bởi tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để, gây lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương.
Việc thực hiện quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp còn hạn chế, gây thất thoát, lãng phí tiền và tài sản nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước bày tỏ bức xúc khi cho rằng đồng tiền chậm đưa vào lưu thông thì mất đi giá trị. Thậm chí còn làm đội giá công trình. Ông đề nghị cần chấn chỉnh ngay việc giải ngân chậm do đâu để có hướng xử lý dứt điểm…
Đại biểu của Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng cho biết, qua giám sát việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, nhất là việc sử dụng hệ thống cảng biển ở một số địa phương hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra.
Tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa của một số địa phương vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi NSNN đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí. Hiệu quả sử dụng lao động và thời gian lao động chưa cao, mặc dù đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đã được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc, ông Ksor Phước cho rằng, lãng phí trong đất đai báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết. Điều quan trọng hơn là phải chỉ được đích danh tỉnh nào, cơ quan, đơn vị nào lãng phí sử dụng đất đai thì giá trị công tác quản lý Nhà nước mới có giá trị thật sự thì chưa làm được.
“Có tỉnh, công sở xây dựng như cung điện trong khi đất nước còn nghèo, xây dựng lỗng lẫy như vậy để làm gì”, đại biểu Ksor Phước nói và đề nghị Chính phủ cần xây dựng quy chuẩn chung về trụ sở làm việc của các cơ quan để cử tri và nhân dân tiện giám sát.
Theo UBTVQH, việc tiết kiệm trong các chương tình mục tiêu quốc gia cũng đang có nhiều mâu thuẫn, thiếu tiền nhưng lại rất lãng phí. Ví dụ chương trình điện mặt trời. Hàng loạt công trình điện mặt trời đầu tư cho đồng bào dân tộc miền núi phơi mưa, phơi nắng nhưng không hoạt động được.
Ai cũng biết, Bộ Tài chính cũng biết nhưng không có ý kiến gì. Nhiều đại biểu thẳng thắn đặt vấn đề vai trò gác cổng cho Chính phủ của Bộ Tài chính như thế nào.
UBTVQH đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tuân thủ pháp luật của hoạt động giám sát việc thực hiện Luật THTK, CLP. Sớm thông qua Luật THTK, CLP (sửa đổi), trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý hành vi gây lãng phí.
“Báo cáo của Chính phủ chưa nêu được việc các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong cắt giảm đầu tư công, nhất là việc cắt giảm đầu tư vào các công trình trọng điểm gây lãng phí như thế nào. Qua thực hiện đó đất nước được gì, mất gì. Nhiều tỉnh tôi qua đều kêu việc này. Do thực hiện nghị quyết nên các công trình dở dang có giá trị hàng nghìn tỷ phải dừng lại nên đầu tư ban đầu mất luôn. Chính phủ cần thống kê lại những công trình này để rút kinh nghiệm cho việc ra quyết định về sau. Vừa mất trắng tiền đầu tư vừa không có công trình để sử dụng là rất lãng phí”. Phát biểu của Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước |