ACB phải giải quyết vụ việc khách quan và thỏa đáng!

Ông Huỳnh Trung Khánh

Cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh nhấn mạnh, ACB cần khách quan trong điều tra làm rõ sai sót từ đâu để giải quyết thỏa đáng vụ việc tự ý bán vàng trong tài khoản của nhà đầu tư.

- Với tư cách là thành viên Hiệp hội Kinh doanh Vàng VN, ông có nhìn nhận thế nào về cách giải quyết, hành xử với nhà đầu tư của sàn giao dịch vàng Ngân hàng Á Châu (ACB) ngay sau khi bán hớ vàng với giá 17.000 đồng/lượng vừa qua?

- Diễn biến vụ việc của ACB, tôi chưa nắm được cụ thể, cũng như chưa có thời gian xem kỹ hợp đồng ký kết ban đầu giữa sàn vàng và khách hàng. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý riêng trong ngành vàng, có trường hợp hợp đồng ký kết có điều khoản: nếu tiền ký quỹ của nhà đầu tư rơi vào trạng thái dưới mức xử lý, tức là số tiền này rơi vào 3 – 4% tùy từng ngân hàng, với tùy khách hàng thì ngân hàng có toàn quyền bút toán mà không cần sự đồng ý của khách để đảm bảo an toàn cho cả 2 bên.

Còn không ở trạng thái đó, về mặt lý nếu quản lý tài khoản của khách hàng thì bất cứ việc bán hay mua một loại hàng hóa nào đó trong tài khoản mà chưa được sự đồng ý của họ, là sai nguyên tắc và đơn vị đó phải trả lại nguyên trạng của tài khoản, hàng hóa của họ.

- Giao dịch vàng phi vật chất trên thế giới nếu có những trường hợp "nhầm lẫn" tương tự như thế này thì họ thường giải quyết thế nào, thưa ông?
- Chuyện nhầm thì ngân hàng nào, sàn nào cũng gặp vì hệ thống xử lý hiện đại mấy chăng nữa thì việc đưa lệnh vào hay tính toán cũng là do con người làm. Trên thế giới, trường hợp nhầm lẫn sai sót về con số như thế này không phổ biến nhưng có thể ước lượng trong 1.000 giao dịch cũng có sai lầm 1 vài cái.

Trường hợp của ACB, sai lầm do nhân viên gõ nhầm dù là vô tình hay cố ý thì cũng phải điều tra kỹ càng. Dĩ nhiên ngân hàng lúc nào cũng nhận là do vô tình nhưng trường hợp này ngân hàng cũng cần khách quan. Nếu lỗi về phía mình thì mình phải nhận, còn lỗi không phải do mình thì ngân hàng phải giải thích thỏa đáng để khách hàng chấp nhận kết quả điều tra.

Đầu tư trên sàn vàng có cái khó là giá cả biến động liên tục, xử lý sai thì ảnh hưởng thiệt hại lớn đến khách hàng nên nguyên tắc, đơn vị quản lý phải đền bù hết lỗi của mình đối với khách hàng. Một khi khách hàng còn chưa hài lòng thì uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng.

Việc phân định ra đúng sai, vô tình hay hữu ý trong trường hợp này cũng hơi phức tạp. Thông thường, nếu hai bên không thỏa thuận, thống nhất được với nhau thì phải nhờ đến 1 đơn vị độc lập thứ ba là tòa án kinh tế.

Các nhà đầu tư tại Sàn Giao dịch vàng Sài Gòn - Ảnh: T.T



- Cơ sở luật pháp cho vấn đề sàn vàng hiện vẫn chưa có. Theo ông, nếu đưa ra tòa, vụ việc sẽ được giải quyết thế nào?

- Đúng là thiếu căn cứ về mặt pháp lý, thành ra phải giải quyết theo luật thương mại, nghĩa là dựa vào hợp đồng ký kết và những chứng từ có liên quan đến hợp đồng đó.

Nếu giao dịch trên sàn bằng giấy tờ thì phải có bút tích, lệnh hay chữ ký của khách hàng. Còn giao dịch qua internet cũng còn bút tích lưu lại. Chỉ có giao dịch qua điện thoại ở nước ngoài các ngân hàng thường phải thu âm hết lệnh của khách nhưng ở VN thì chưa có.

Không thể “thả nổi” sàn vàng!

- Theo ông, lý do chủ yếu nào khiến việc ban hành các quy định của nhà nước về quản lý hoạt động của các sàn vàng bị chậm trễ thời gian qua? Phải chăng là do quan điểm coi đây là sàn đánh bạc?

- Cá nhân tôi cho rằng sàn vàng không phải là sàn đánh bạc. Nếu đây là hình thức cờ bạc trá hình thì đã bị cấm hẳn rồi. Chuyện Ngân hàng Nhà nước có chậm là ở chỗ phải cân nhắc quy định thế nào cho đúng đắn, phù hợp với tình hình xã hội. Quy định đưa ra quá chặt chẽ thì không ai tham gia, còn lỏng lẻo quá thì phát sinh nhiều phức tạp.

Có thể hình dung, nếu cấm mua bán trên sàn vàng, người ta sẽ trở lại mua bán trên thị trường tự do như trước. Nhưng chính vì Nhà nước không muốn mua bán vàng miếng nhiều quá vì ảnh hưởng đến nhập siêu thì nhu cầu lớn của xã hội hiện nay sẽ làm phát sinh ra chuyện nhập lậu, mua bán chui, thị trường rơi vào cảnh “chợ trời”.

Không thể thả nổi các sàn vàng như hiện nay - Ảnh: TP



Vấn đề là phải tạo được một cửa ra, một sân chơi cho rõ ràng minh bạch, lành mạnh. Phải nghiên cứu thế nào để hợp thức hóa hình thức giao dịch vàng phi vật chất này mà vẫn trong vòng kiểm soát, trong khuôn khổ pháp lý của Nhà nước.

Tôi cho là chúng ta có thể học tập cách của Trung Quốc, đó là chỉ mở một sàn vàng do Ngân hàng Trung ương trực tiếp quản lý. Còn nếu Nhà nước không muốn làm thì phải chọn lọc một số đơn vị đủ điều kiện mới được mở, dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, chứ không thể để “thả nổi” như hiện nay được.

- Hiệp hội vàng có tham gia, góp ý gì sau vụ việc của ACB?

- Như tôi đã đề cập, nếu cơ sở pháp luật của Nhà nước chưa có thì trong soạn thảo hợp đồng với khách hàng, bộ phận pháp lý của ngân hàng đã nghiên cứu từng câu, từng chữ nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của họ là trên hết.

Ở đây tôi không bàn đến ai đúng, ai sai, chỉ lưu ý nhà đầu tư nên coi kỹ lại hợp đồng đã ký, bởi chỉ cần một chữ, một dấu phẩy thôi, nếu đưa ra không khéo thì không cãi nổi với ngân hàng.

Tôi cũng nhấn mạnh cách tốt nhất là các bên tự thỏa thuận, dàn xếp giải quyết vụ việc. Về phần mình, nếu nhà đầu tư thưa kiện lên Ngân hàng Nhà nước, gửi đơn cho Hiệp hội thì dĩ nhiên sau khi nghe trình bày của cả 2 bên, nhận được đầy đủ giấy tờ bằng chứng thì chúng tôi mới có cơ sở để xử lý.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây