Khách hàng tham gia "Tiết kiệm qua đêm 24 giờ" tại Eximbank. Ảnh: H.THÚY
Lý giải từ phía ngân hàng
Ngày 14-5, Eximbank tung ra sản phẩm “Tiết kiệm qua đêm 24 giờ”, lãi suất 10%/năm (0,883%/tháng). NH Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) cũng vừa tăng lãi suất không kỳ hạn VNĐ lên 9%/năm. Theo thông tin chưa chính thức, lãi suất huy động vốn không kỳ hạn của Citibank lên tới 12%/năm. Điều này cho thấy NH thiếu vốn hoặc thiếu hụt thanh khoản; huy động vốn không kỳ hạn để cho NH khác vay qua đêm với lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, theo ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, NH không thiếu vốn nhưng trong bối cảnh cạnh tranh cần phải có phương án huy động vốn tốt nhất để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế. Tổng Giám đốc SCB Phạm Anh Dũng cho biết hiện lãi suất liên NH đã lên tới trên 20%, lãi suất thị trường mở cũng ở mức 12%, song phải có số lượng trái phiếu lớn mới tham gia được. SCB đã tính toán rất kỹ, cân đối cung cầu vốn, thỏa thuận lãi suất cho vay với hơn 90% khách hàng mới quyết định tăng lãi suất không kỳ hạn. Việc tăng lãi suất không kỳ hạn có thể huy động vốn từ các tổ chức, dân cư dễ dàng, chi phí lại thấp hơn so với thị trường liên NH, thị trường mở. Ông Dũng khẳng định SCB không thiếu hụt thanh khoản. Hiện SCB có số dư tiền gửi tại NH Nhà nước (SBV) gần 2.000 tỉ đồng, trừ đi lượng dự trữ bắt buộc vẫn còn lượng tiền khá lớn để ổn định nguồn vốn.
Mặc dù tiền gửi không kỳ hạn chiếm tỉ trọng không lớn trong tổng huy động vốn, nhưng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn không thu hút được người dân, buộc NH chọn thời điểm tung “chiêu” hút vốn. Đã có hiện tượng khách hàng là tổ chức rút tiền gửi NH cho người thân vay với lãi suất cao hơn hoặc dồn vốn tích trữ nguyên liệu sản xuất, khiến một số NH mất cân đối lượng tiền ra vào.
Bất ổn về thanh khoản (?!)
Tổng giám đốc một NH ở TPHCM e ngại: “Sẽ có khách hàng đang có những trục trặc trong quan hệ ở NH này có thể chuyển tiền gửi không kỳ hạn đến các NH khác có lãi suất cao hơn”. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng Giám đốc NH Đông Nam Á (Sea Bank), cho rằng nếu tăng gấp đôi lãi suất không kỳ hạn thì NH sẽ không chịu nổi vì chi phí quá cao, không bảo đảm lợi nhuận. Dù rằng động thái này có thể giữ chân khách hàng nhưng không phải là giải pháp tối ưu, bởi các NH đều có thủ thuật để giữ chân khách hàng khi họ có dấu hiệu chuyển tiền gửi thanh toán đến NH khác.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi (Học viện Tài chính), lãi suất không kỳ hạn phi nước đại cho thấy nhu cầu về thanh khoản của NH rất cấp bách. Chỉ tiêu xem xét khả năng thanh khoản của một NH là tỉ lệ tài sản thanh khoản trong tổng tài sản ở mức 20%-30%, tức lượng tiền gửi tại SBV, các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng... có thời gian đáo hạn dưới 1 năm. Với chỉ tiêu này, mức thanh toán bình quân của các NH VN chỉ đạt xấp xỉ 65%-70%, dễ gặp khó khăn về thanh khoản khi có bất thường xảy ra đối với hệ thống NH.
Thế nhưng, một chuyên gia hiện đang giảng dạy tại ĐH Kinh tế TPHCM thẳng thắn: “NH nào tăng lãi suất không kỳ hạn gần bằng lãi suất có kỳ hạn chứng tỏ NH đó bất ổn về thanh khoản. Giải quyết bài toán này cần phải có chính sách vĩ mô phù hợp. SBV cần có sự tư vấn của các chuyên gia tài chính ở các quốc gia châu Á đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 1997”.
Ngân hàng đối mặt nhiều rủi ro Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Hệ thống ngân hàng VN và các cam kết WTO: Đánh giá và triển vọng" do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức tại Hà Nội. Hoạt động cho vay trong các ngân hàng chiếm từ 70% đến 90% tổng tài sản có và một tỉ lệ tương đương trong tổng thu nhập của hệ thống ngân hàng. Rủi ro trong hoạt động của các ngân hàng VN đang có xu hướng tăng lên. Hiện nay, các ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ rủi ro tín dụng và tính thanh khoản kém. Trong khi đó, tỉ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao và đang có xu hướng tăng lên. Do quá tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, nhiều ngân hàng đã “quên” các biện pháp quản lý ở góc độ dài hạn và không quan tâm đến ảnh hưởng của vĩ mô với hoạt động ngân hàng. P.Anh |
Tái cấp vốn: Không đơn giản Để bảo đảm khả năng thanh khoản, mới đây, SBV yêu cầu các NH chủ động cân đối nguồn vốn, tích cực tham gia nghiệp vụ thị trường mở và các hình thức huy động vốn khác. Trường hợp NH khó khăn về vốn khả dụng nhưng không có đủ giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn tham gia nghiệp vụ thị trường mở hoặc tham gia nhưng không trúng thầu, cần có văn bản đề nghị SBV xem xét cho vay tái cấp vốn. Các NH không được sử dụng nguồn vốn vay tái cấp vốn để mở rộng tín dụng, SBV thực hiện tái cấp vốn theo một trong hai hình thức: Cho vay bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá hoặc cho vay theo hồ sơ tín dụng. Tuy nhiên, nhiều NH cho rằng để được tái cấp vốn không đơn giản. NH nào đáp ứng được tiêu chuẩn hoạt động kinh doanh, hồ sơ tín dụng mới được SBV xem xét bơm tiền. Không ít NH hết sức cân nhắc khi nộp đơn xin tái cấp vốn bởi e ngại danh tính NH lọt ra ngoài khiến dư luận đánh giá tiêu cực về khả năng thanh khoản. |