![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chính sách điều hành kinh tế và giá cả hiện đã mang tính thị trường và “sốc hơn”, thông qua việc giải kiểm soát giá các mặt hàng quan trọng như điện, xăng, dầu. Các giải pháp cũng tập trung, nhất quán hơn. Nhờ vậy, về cơ bản nền kinh tế đất nước đã nhận được các động lực tích cực và sự ổn định cần thiết để phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong công tác điều hành. Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận là cách thức “bắt mạch” và dự báo xu hướng biến động giá kém. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng và hiệu quả của đơn thuốc được kê cho các tình huống giá cả phát sinh cũng chưa cao.
Dường như Tổ điều hành giá Chính phủ vẫn ngại ngần, thậm chí chủ quan và "lạc quan hóa” khi đưa ra mức dự báo CPI. Chưa kể họ đánh đồng giữa yêu cầu phải dự báo giá cả khách quan với tính chủ quan của chính sách "lạm phát không thể cao hơn mức tăng GDP".
Điều này dẫn tới tình trạng số liệu CPI thực so với số liệu CPI mà tổ này dự báo luôn cao hơn tới 20-30%. Sai số đó mới chỉ được cải thiện trong thời gian gần đây.
Hậu quả của việc dự báo không hết, không đúng với các tình huống và độ chính xác không cao là làm giảm sự chủ động trong công tác kiểm soát lạm phát. Sự thiếu rạch ròi này đã trở thành nguyên nhân quan trọng khiến Chính phủ liên tục bất ngờ, thậm chí lúng túng trong giải mã "bắt mạch - kê đơn" các động thái giá cả thị trường. Từ đó làm giảm tính chủ động và hiệu quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát được lựa chọn.
Một nguyên nhân nữa là Chính phủ chưa coi trọng công tác dự báo về tác động 2 mặt của những chính sách được đưa ra theo yêu cầu quản lý kinh tế thị trường. Nếu Chính phủ chỉ thả giá theo thị trường, mà không có sự cạnh tranh cần thiết thì sẽ tạo ra sự lạm dụng. Kết quả là các chính sách đó mang lại lợi ích kép cho những doanh nghiệp đang hoặc gần như độc quyền kinh doanh một số mặt hàng.
Nói cách khác, VN đang gặp vấn đề ở chỗ chưa thực sự cho cạnh tranh thị trường đầy đủ và lành mạnh trong việc cung cấp nhiều mặt hàng như dầu mỏ, điện, ôtô, thuốc chữa bệnh… trong khi các doanh nghiệp cung ứng chúng lại được phép định giá theo thị trường.
Đáng lẽ VN cần phải làm ngược lại là tạo cho thị trường cạnh tranh đầy đủ rồi mới buông giá, để bàn tay vô hình của thị trường làm đúng chức năng của mình…
Nguy cơ khác của sự độc quyền là nó có thể ảnh hưởng đến công tác dự báo. Trên thực tế, nếu một cá nhân hoặc tổ chức được phân công thực hiện dự báo có lợi ích gắn liền hoặc bị chi phối cao bởi các đơn vị kinh doanh độc quyền thì chắc chắn công việc dự báo sẽ bị ảnh hưởng.
Cơ quan dự báo khi bị chi phối bởi quyền lợi thì khó bảo đảm việc tính đúng, tính đủ và công khai các tác động 2 mặt. Đặc biệt là mặt trái và hệ lụy dây chuyền khôn lường do những chính sách và mức giá mà họ đề nghị và mượn tay chính phủ áp đặt cho xã hội.
Hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành, trực tiếp phục vụ công tác dự báo kinh tế chưa có tính thống nhất. Hiện tại. các thông tin kinh tế thường của Việt Nam bị phân tán và thiếu chuẩn hóa thống nhất giữa các nguồn và đơn vị quản lý.
Ngoài ra, chúng không được phổ biến rộng rãi, gây khó khăn cho các đơn vị và cá nhân có nhu cầu tiếp cận và sử dụng. Điều này lại tạo ra những cơ hội thu lợi bất chính cho các tổ chức, cá nhân đang làm công việc quản các thông tin, đồng thời làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và gia tăng sự lãnh phí các nguồn lực xã hội.
Hiện nay, hệ thống các thông tin và dữ liệu chuyên ngành phục vụ trực tiếp công tác dự báo kinh tế dường như mới hình thành bước đầu, nhiều chỉ số còn thiếu hoặc chưa được khớp nối với hệ thống thống kê chính thức quốc gia hằng năm. Các quy định về quản lý thông tin dữ liệu còn yếu nên xuất hiện tình trang mạnh ai người đó đề nghị xin, cấp và xử lý khá tùy tiện.
Cuối cùng là thiếu sự phối hợp ăn khớp giữa các cơ quan chức năng, công cụ dự báo và các tổ chức thực hiện. Để có một con số dự báo chính xác cần có sự phối hợp đồng bộ, liên ngành các cơ quan và các công cụ, phương pháp dự báo.
Sự ăn ý đặc biệt quan trọng trong khi thu thập dữ liệu đầu vào, công đoạn xử lý kết luận cuối cùng của quy trình dự báo. Tính thống nhất sẽ góp phần nâng cao tính xác thực của kết quả báo cáo dự báo.
Dự báo tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành thực tiễn. Còn việc bám sát thực tiễn điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ giúp công tác dự báo thêm cơ sở tin cậy và mềm dẻo, chính xác hơn…
Bên cạnh đó, việc các cơ quan, đơn vị thanh tra giá chưa hoạt động thường xuyên và tính chuyên nghiệp cao chưa cao cũng ít nhiều tạo điều kiện cho lạm phát tăng cao trong thời gian gần đây.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội