Bị rút 52.000 tỷ đồng, hệ thống ngân hàng bị sốc?

NHNN rút hơn 52.000 tỷ đồng về, lãi suất sẽ tăng, người dân lại kéo nhau đi gửi tiết kiệm. Ảnh: VŨ HƯNG

Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang có kế hoạch rút tiếp số tiền hơn 52.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại quốc doanh để chống lạm phát đang tăng cao trong ba tháng đầu năm 2008. Đây là số tiền được các NHNN gửi ở các ngân hàng thương mại quốc doanh cách đây 10 năm. Xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Phải rút về gấp

Nhiều ý kiến lo ngại nếu NHNN rút gấp số tiền trên về thì sẽ làm ảnh hưởng tính thanh khoản của những ngân hàng này. Trên một tờ báo kinh tế, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng cho biết cần rút về càng sớm càng tốt. Theo ông Nghĩa, trong điều kiện lạm phát đang tăng cao, nếu để số tiền trên nằm ở các ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ làm cho tiền đẻ ra tiền, ảnh hưởng xấu tới lạm phát. NHNN càng phải gấp rút hút tiền về để dễ dàng cho việc hoạch định chính sách và kiểm soát. Hơn nữa, đã là tiền của ngân sách nhà nước thì không được phép rủi ro. Tiền ngân sách phải chi tiêu thường xuyên nên để ở ngân hàng thương mại, mỗi khi cần chi tiêu gấp lại phải đi đòi nợ về. Việc làm trên chẳng khác gì “thả gà rồi lại đi bắt nó về”. Ông Nghĩa cũng cho biết ở các nước phát triển không bao giờ có chuyện đầu năm tạm ứng tiền ngân sách rồi đem đi gửi ở ngân hàng thương mại lấy lãi.

Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên gia ngân hàng lâu năm cũng cho rằng NHNN cần rút hết số tiền trên và phải làm ngay, không thể chậm trễ. Số tiền trên gửi ở các ngân hàng thương mại quốc doanh cách đây 10 năm với lãi suất không kỳ hạn. Thông thường lãi suất cũng chỉ ở mức 3%/năm. Các ngân hàng thương mại này đem số tiền trên cho vay lại trên thị trường, nếu so với mức lãi suất cho vay trung bình của năm 2007 là 9%/năm đã thấy thu được chênh lệch tới 6%/năm, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng. Còn nếu so với mức lãi suất cho vay 15%/năm như hiện nay thì lợi nhuận chênh lệch còn lớn hơn nhiều lần.

Trong khi đó, hàng năm Chính phủ vẫn phải... vay tiền bằng cách phát hành trái phiếu với lãi suất lên tới 7%-8%/năm.

Sốc nặng?

Trái lại quan điểm trên, chuyên gia tài chính diễn đàn OTC, bà Cẩm Vân, lo ngại số tiền trên đã được các ngân hàng thương mại quốc doanh tận dụng nhằm tăng trưởng tín dụng. Một phần không ít số vốn trên đã được dùng cho vay trung và dài hạn. Nay NHNN rút tiền về gấp quá chắc chắn sẽ làm cho hệ thống ngân hàng bị sốc nặng. “Kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Kinh tế trong nước thì lạm phát vẫn đang ở mức cao và nhập siêu tăng mạnh. Dòng vốn đầu tư ngắn hạn trong nước bị dao động nhiều bởi sự lên xuống thất thường của thị trường bất động sản và thị trường vàng bạc-ngoại tệ. Các yếu tố trên đang tạo tiền đề cho một cuộc tiền khủng hoảng kinh tế, giống như củi đang dần khô..., chỉ cần một biến động bất lợi về tài chính sẽ là mồi lửa làm bùng cháy và hậu quả thật là khó lường” - bà Vân nói.

Một số ý kiến cho rằng NHNN cần phải có một kế hoạch rút tiền khỏi lưu thông theo một lộ trình thông báo trước. Có như vậy mới hạn chế tối đa tác động bất lợi, ảnh hưởng theo kiểu dây chuyền đến nền kinh tế. “Nếu NHNN thực hiện việc rút tiền với phương châm thận trọng kiểu “qua sông ném đá dò đường” thì tác động của việc rút tiền này đối với nền kinh tế là có thể kiểm soát được. Còn nếu NHNN có một lộ trình rút vốn dần để xem xét sự phản ứng và sức chịu đựng của thị trường ra sao thì sẽ rất tốt. Nó sẽ giúp NHNN chủ động điều chỉnh lại cho thích hợp hơn thì sẽ đạt hai mục đích là thu hút tiền về nhưng không làm ảnh hưởng đột ngột đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, cũng như những khách hàng đã vay vốn của họ” - bà Cẩm Vân phân tích

Vũ Hưng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây