Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Fukushiro Nukaga, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Xie Xuren, Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc Kang Man Soo và nhiều bộ trưởng tài chính các nước Đông Nam Á khác đang có những cuộc gặp bên lề của cuộc họp thường niên của ADB đang diễn ra trong tuần này tại Madrid. Theo dự báo của ADB, lạm phát của Châu Á có thể sẽ chạm mức cao kỷ lục trong năm nay khi kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Giá dầu thô đã tăng 85%, giá gạo cũng đã tăng hơn gấp 2 lần kể từ sau khi các bộ trưởng tài chính Châu Á họp nhau tại Kyoto, Nhật Bản. Việc giá dầu thô và giá gạo tăng đã gây nên những căng thẳng về mặt xã hội và khiến cho thâm hụt tài chính của các nước ngày càng lớn do chính phủ các nước đang phải ra sức hỗ trợ lương thực và trợ giá nhiên liệu cho người dân.
Các nước sản xuất gạo đang giảm bớt việc xuất khẩu nhằm duy trì lượng cung cấp gạo trong nước và góp phần kiềm chế lạm phát. Việc này đã đẩy giá tăng cao cho các nước chuyên nhập khẩu ngũ cốc như Philippines. Giá ngô, lúa mì, đậu tương sẽ đều tăng lên mức kỷ lục trong năm nay.
Chính phủ các nước Châu Á đang dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra, hoặc là họ sẽ giảm mức dự báo kinh tế ngay khi họ đã tăng ước tính mức lạm phát.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 0,6% trong quý I năm nay, tương đương với mức tăng của quý trước đó. Đây là mức tăng trưởng chậm nhất của Mỹ kể từ năm 2002. Tháng trước, quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2008 và nói rằng có khoảng 25% khả năng là kinh tế Thế Giới sẽ rơi vào suy thoái.
Hôm 30/4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết nền kinh tế của nước lớn thứ 2 Thế Giới này trong năm nay có thể sẽ tăng trưởng thấp hơn mức dự báo cách đây 6 tháng, trong khi đó giá cả tiêu dùng được dự báo là sẽ tăng gần gấp 3 lần. Cùng ngày hôm đó, Indonesia cũng hạ mức dự báo tăng trưởng, Hàn Quốc cũng cho biết nước này đang bước vào thời kỳ kinh tế suy giảm.
Bộ trưởng tài chính Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản sẽ họp nhau vào ngày 04/5 tới trước khi có họp với các đối tác đến từ hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh các vấn đề về lạm phát và triển vọng kinh tế trong khu vực, được đưa ra bàn luận đợt này gồm có các vấn đề về dự trữ ngoại hối và sự phát triển của thị trường trái phiếu.
Bloomberg