![]() |
Từ ví dụ khi CPH Vietcombank cho thấy, việc bỏ lỡ cơ hội có được đối tác chiến lược tốt đã khiến Vietcombank mất đi cơ hội có được những sức bật mới: Từ quản trị điều hành, đến định hướng, chiến lược phát triển kinh doanh...
Đó là điều khiến cho thị trường thất vọng nhất, và cũng là yếu tố quan trọng (cùng với thị trường) góp phần làm giảm giá CP Vietcombank, kéo theo nhiều hệ luỵ.
Trên con đường đi tìm lời giải cho bài toán khó này, chúng tôi đã trở lại trao đổi với ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên là một trong những kiến trúc sư của công cuộc CPH Vietcombank.
Khép lại loạt bài về "CP khi CPH và hệ luỵ đối với người lao động" bằng cách nhìn lại những tồn tại của một DN CPH khá điển hình trong thời điểm đó, hy vọng chúng ta sẽ rút ra được những bài học cần thiết cho con đường sắp tới và có giải pháp khắc phục những gì đang tồn tại.
Thưa ông, vấn đề quản trị DN sau CPH dường như vẫn chưa có sự thay đổi. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Theo quan điểm cá nhân tôi, cần phải thống nhất một cách rõ ràng về mục tiêu CPH. CPH mục tiêu hàng đầu là đa dạng hóa sở hữu và từ đó có cơ chế quản trị DN tốt hơn vì bản chất chơ chế quản lý của DNNN trước kia là thiếu tính năng động. Mục tiêu thứ hai là xã hội hóa nhằm huy động thêm vốn đưa vào sản xuất.
Thực tế trong quá trình phát triển, DN luôn cần vốn nhưng ngân sách nhà nước không có điều kiện bổ sung vốn cho DN. Bản thân quá trình CPH cũng giúp nhà nước cơ cấu lại vốn đầu tư, thậm chí có thể bán hoàn toàn phần vốn sở hữu tại một số DN để lấy vốn đầu tư vào lĩnh vực khác cần thiết hơn.
Như vậy sau khi CPH, DN nhất thiết phải thay đổi cơ chế vận hành cơ chế quản lý. Tôi biết có không ít DN sau khi CPH rồi cơ chế hoạt động vẫn gần như không thay đổi. Nếu CPH mà vẫn giữ nguyên cơ chế quản trị cũ hoặc không thay đổi về căn bản, theo tôi là vẫn chưa đạt được mục đích quan trọng nhất.
Đã có quan điểm cho rằng CPH không nên phân biệt đối xử giữa NĐTTN và NĐTNN, lại càng không nên bán rẻ tài sản nhà nước. Chính vì vậy không nên ưu đãi giá đối với cổ đông chiến lược nước ngoài. Vậy quan điểm của ông thế nào?
Như đã nói vấn đề đầu tiên phải đặt ra khi thực hiện CPH là mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị. Do đó khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược cũng phải căn cứ trên mục tiêu này. Không nên lẫn lộn giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài, giữa NĐT lướt sóng và NĐT chiến lược.
Chúng ta cần phải hiểu một cách thấu đáo về vai trò của NĐT chiến lược khi tham gia đầu tư vào các DN VN. Mục đích bán bớt CP cho cổ đông chiến lược chưa hẳn là do mình cần tiền mà quan trọng hơn là cần kỹ thuật, cần kinh nghiệm quản trị cũng như uy tín của đối tác.
Mặt khác, NĐT chiến lược có trách nhiệm gắn bó lâu dài với DN. Đơn cử như sau khi đầu tư vốn, kể cả giá CP lên, NĐT chiến lược cũng không thể đơn giản là bán ngay để chốt lời như những NĐT thông thường khác. Như vậy thì với cổ đông chiến lược cần phải có cơ chế khác.
Theo tôi việc lựa chọn cổ đông chiến lược nên ưu tiên hàng đầu là chất lượng cũng như các cam kết hợp tác, vì thế, giá bán chỉ là một trong các tiêu chí để xem xét.
Với trường hợp của Vietcombank, theo ông, đối tác chiến lược có còn mặn mà, nhất là khi các tổ chức tài chính lớn của thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn?
Tổ chức nước ngoài vẫn quan tâm đến Vietcombank cũng như NĐTNN vẫn quan tâm tới thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại trong bối cảnh khủng hoàng tài chính toàn cầu, họ có những mối quan tâm khác cần phải ưu tiên. Nhưng trong khủng hoảng lại có những cơ hội, vì thế mỗi tổ chức có những chiến lược riêng và với những định chế có chiến lược kinh doanh tại VN thì khi nhìn thấy cơ hội là họ sẽ triển khai.
Câu chuyện đối tác chiến lược lúc này có khác hơn khi NĐT bắt đầu so sánh đầu tư tại VN với đầu tư ở một số thị trường khác và kể cả ở Mỹ. Do đó đặt ra thay đổi cơ chế nền tảng trong thu hút đầu tư để thị trường VN vẫn là một địa chỉ thu hút đầu tư nước ngoài càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Trong điều kiện hiện nay, việc đánh giá lại và cơ cấu lại DN VN lại đang đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Thị trường đang đánh giá CP Vietcombank ở mức khá thấp, vậy bài toán giá đối với cổ đông chiến lược sẽ phải giải quyết thế nào?
Phải nói rằng, CPH Vietcombank diễn ra vào thời điểm thị trường đang ở giá cao. VN-Index khi đó đạt 924,37 điểm. Mặt khác, về nguyên tắc, khi mua CP Vietcombank, thị trường kỳ vọng với sự góp sức của NĐT chiến lược, thì chất lượng quản trị DN sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thị trường đã thất vọng, và đó cũng là yếu tố quan trọng góp phần kéo giá xuống. Vậy phải có cơ chế gì, quyết sách gì trong thời điểm hiện nay?
Nhiều câu hỏi cần đặt ra: Có dám bán cho đối tác chiến lược thấp hơn giá IPO không? Những DN đã IPO rồi thì giá có thấp hơn giá thị trường không? Thậm chí có cho NĐT chiến lược mua với cái giá ưu đãi tương tự giá của NLĐ không? Liệu bán giá thấp có là tài sản NN bị thất thoát, bị sụt giảm không? Theo tôi đây là bài toán khó.
Với NLĐ, câu chuyện về đối tác chiến lược có mối quan hệ như thế nào?
Chính sách với NLĐ khi CPH đã có nhiều thay đổi. Trước đây, việc bán CP cho NLĐ khi CPH DN là nhằm giúp NLĐ có cơ hội tham gia quản trị DN. Tuy nhiên thực tế cho thấy sau khi được mua CP, đa số NLĐ đã bán đi.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, việc NLĐ trực tiếp tham gia quản trị DN không còn phù hợp. Để gia tăng chất lượng quản trị DN, cần có sự tham gia của các đối tác chiến lược có tầm hơn. Đối với NLĐ, lợi ích hàng đầu là cơ chế khuyến khích, chế độ lương thưởng thay đổi một cách hợp lý, được hưởng đúng đóng góp thành quả lao động. Làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng nhiều chứ không phải cào bằng.
Mặt khác, khi DN có chất lượng quản trị tốt, có chiến lược kinh doanh có tầm hơn thì DN sẽ tăng trưởng và NLĐ cũng được hưởng lợi từ những giá trị đó. Giả sử Vietcombank có sự hợp tác từ đối tác chiến lược nước ngoài, chắc chắn niềm tin của thị trường, niềm tin công chúng đối với Vietcombank sẽ khác hơn. Giá VCB khi đó chắc chắn sẽ khác. Chưa kể đến uy tín của chương trình CPH của VN đối với ĐTNN cũng sẽ được nhìn nhận tích cực hơn.
Những thua thiệt của NLĐ trong trường hợp IPO Vietcombank đã khá rõ ràng. Vậy theo ông có cách nào tháo gỡ?
CP VCB xuống giá, như tôi đã nói có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố thị trường. Cơ chế nhà nước tại thời điểm đó đã cho phép NLĐ được hưởng ưu đãi 40% so với giá đấu thành công bình quân và đó cũng đã là một ưu đãi đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng nói là các yếu tố khách quan ngay sau đó đã có tác động trực tiếp đưa đến những thua thiệt, khó khăn cho NLĐ (giá CP cao, thanh khoản của CP thấp, kinh tế khủng hoảng, thị trường đi xuống...).
Các DN sau CPH thời gian qua đã tiến hành phát hành CP tăng vốn và dùng một tỉ lệ ưu tiên nhất định để bán cho các cổ đông cũ theo tỉ lệ 1:1. Đây cũng là cách để giảm bớt thiệt hại cho NLĐ mà trường hợp của Vietcombank cũng có thể áp dụng.