Cần kích cầu khẩn cấp

Giá cổ phiếu giảm, nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ sàn giao dịch. Ảnh: H. Thúy

Mặc dù chỉ số chứng khoán trên sàn TPHCM (VN- Index) ngày 8-1 tăng được 6,66 điểm so với hôm trước và sức mua đạt gần 560 tỉ đồng, nhưng quan sát diễn biến thị trường cho thấy nhà đầu tư còn mua dè dặt vì chưa tin vào xu hướng tăng giá mới. Khi chưa có chủ trương kích cầu chính thức được công bố thì khả năng thị trường chứng khoán (TTCK) còn tiếp tục suy giảm trong những ngày tới là hiện thực.

Điều hành rối như... canh hẹ

Trong khi nhà đầu tư chưa thu xếp xong nguồn tiền thanh toán cho việc đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thì Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM mới đưa thêm thông báo cuối tháng này sẽ đấu giá cổ phiếu Tổng Công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Cùng lúc đó, hàng loạt công ty cổ phần khác cũng thông báo phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn. Nguồn cung dồn dập tăng lên trong khi nhu cầu mua đang bị teo lại, giá cổ phiếu trên TTCK bị rớt thê thảm suốt hai tháng qua làm cho hàng ngàn nhà đầu tư bị thua lỗ nặng, nhiều người đã rời bỏ sàn.

Chủ trương tăng cung để mở rộng quy mô TTCK lẽ ra phải gắn liền với việc tăng kích cầu trước. Nhưng hiện nay việc phát triển, điều hành TTCK đang rối như... canh hẹ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã cấp nhiều giấy phép cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trên thị trường, trong khi chưa có chủ trương kích cầu luồng vốn để mua.

Các nhà đầu tư trong nước với đồng vốn còm cõi, ít ỏi đang bị teo dần do thua lỗ kéo dài. Ngoài vốn tự có, trước đây nhà đầu tư được thoải mái vay ngân hàng để mua cổ phiếu, nhưng Ngân hàng Nhà nước vì sợ các ngân hàng thương mại “vỡ nợ” nên đã can thiệp hành chính, bằng việc siết chặt việc cho vay đầu tư chứng khoán, làm nhà đầu tư trong nước bị cụt vốn. Còn nguồn kiều hối từ nước ngoài đổ về, khi thấy TTCK trong nước èo uột, họ chuyển sang đầu tư vào bất động sản và vàng.

Kênh vốn quan trọng đến từ các nhà đầu tư nước ngoài hiện gặp bế tắc do khó khăn trong việc chuyển đổi thành đồng Việt Nam. Vì lo sợ lạm phát gia tăng nên Ngân hàng Nhà nước giảm mua ngoại tệ, bỏ mặc việc chuyển đổi ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại tự lo. Sức của các ngân hàng thương mại có hạn, lại bị ràng buộc với những quy định ngặt nghèo nên họ chỉ mua cầm chừng, do đó thị trường càng khô như gặp hạn ...

Nhanh chóng cứu thị trường

Nhằm cứu thị trường, SSC tuyên bố đã trình giải pháp kích cầu lên Chính phủ, nhưng đến nay mới hé lộ thông tin: Chính phủ sẽ cho lùi thời điểm áp dụng thuế chứng khoán đối với cá nhân. Theo lịch trình, việc đánh thuế đầu tư chứng khoán đến đầu 2009 mới thực hiện nên việc chỉ đơn độc cho lùi thời điểm đánh thuế sẽ mang lại hiệu quả không cao.

Để khẩn cấp kích cầu, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến tham khảo. Nhóm nghiên cứu chứng khoán Boston (Hà Nội) đề xuất các giải pháp, như: cần tạo dễ dàng hơn cho luồng vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK, đặc biệt là việc chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng Việt Nam; mở rộng room sở hữu nước ngoài đối với một số ngành nghề nhất định; nới rộng Chỉ thị số 03; dãn lịch IPO các doanh nghiệp Nhà nước; mở rộng, phát triển các quỹ đầu tư, kể cả quỹ đại chúng và quỹ tư nhân; tiến hành hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu TTCK Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài...

Do thị trường đã suy kiệt đến mức báo động, hàng trăm ngàn nhà đầu tư trong và ngoài nước lo lắng. Nếu Chính phủ không có giải pháp kích cầu khẩn cấp thì nhà đầu tư sẽ rời bỏ sàn, TTCK sẽ trở nên vắng lặng, mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ gặp khó khăn, kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế sẽ bế tắc...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây