Cần nguồn vốn mới

Thị trường cần có thêm các quỹ mở để kích cầu - Ảnh: D.Đ.M

Giao dịch ảm đạm

Kéo dài nhiều tháng qua, nhất là từ đầu tháng 12 đến nay, giá trị giao dịch ngày càng sụt giảm rõ rệt. Nếu phiên giao dịch ngày 1.12, tổng giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM đạt 331,25 tỉ đồng; tại sàn Hà Nội đạt 169 tỉ đồng thì từ phiên giao dịch ngày 3.12 - 5.12, giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM chỉ xoay quanh mức 250 tỉ đồng/phiên; tại sàn Hà Nội xoay quanh 150 tỉ đồng/phiên. Con số này sụt giảm xuống chỉ còn hơn 184 tỉ đồng trong ngày 11.12 tại sàn TP.HCM và gần 131 tỉ đồng tại sàn Hà Nội.

Sự sụt giảm liên tục của chỉ số chứng khoán cũng như các cổ phiếu (CP) là nguyên nhân càng khiến nhiều nhà đầu tư "án binh bất động". Một nhà đầu tư tên Hạnh có tài khoản tại Công ty chứng khoán SSI cho biết đã hơn 2 tháng nay, chị không mua cũng không bán gì. Nhiều nhà đầu tư cũng suy nghĩ như vậy khi cho rằng tham gia lúc này quá rủi ro. Hơn nữa, việc bán ra liên tục của các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thời gian qua khiến thị trường càng thêm ảm đạm. Theo thống kê của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), giá trị giao dịch ròng (là giá trị mua trừ giá trị bán) của NĐTNN tại sàn TP.HCM trong 10 ngày đầu tiên của tháng 12.2008 vẫn ở con số âm. Chỉ đến phiên giao dịch ngày 10.12, giao dịch ròng của khối NĐTNN mới lên 41,5 tỉ đồng và tiếp tục đạt 25,7 tỉ đồng trong phiên ngày 11.12. Tuy nhiên, theo nhận định của HSC, vẫn có dấu hiệu cho thấy sự bán ra của một số ngân hàng đầu tư nước ngoài, như Citigroup và Merrill Lynch vừa công bố sẽ giảm cổ phần trong BMP và SAV...

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, trong lúc này, nhà đầu tư phải chấp nhận chờ thị trường phục hồi theo sự phục hồi chung của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang trở nên hấp dẫn nhất vì cơ hội kiếm lời cao chỉ có khi khủng hoảng, với mức đầu tư 1 - 2 năm có khả năng sinh lời đến 100 - 200%, chứ khi thị trường bình ổn thì mức sinh lời khoảng 10 - 15%/năm mà thôi.

Khối ngoại bán ra, khối nội chưa dám mua vào là nguyên nhân chính làm cho nguồn vốn mới đổ vào thị trường chứng khoán hiện nay không có.
 
Cần xây dựng các quỹ mở

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM phân tích, hiện nhiều nhà đầu tư đã rút khỏi thị trường và sẽ tiếp tục có những nhà đầu tư khác rút ra do họ chưa nhìn thấy triển vọng phát triển của thị trường trong năm 2009. Vị tổng giám đốc này cho biết: "Ngay thông tin xăng dầu tiếp tục giảm giá ngày 10.12 cũng không thể khiến thị trường tăng điểm. Đặc biệt, nhà đầu tư khá bi quan khi nhận định nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2009. Vì vậy thị trường sẽ khó có xu hướng đi lên nếu như không có những nguồn vốn mới đổ vào để tạo nên một nguồn cầu cao hơn".

Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cũng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam từ trước đến nay có kết cấu vốn không giống thị trường nhiều nước. Thị trường vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn của các nhà đầu tư cá nhân, nguồn tín dụng từ ngân hàng và NĐTNN. "Hiện nay, khi các nhà đầu tư cá nhân không có thêm người mới trong khi người cũ lại rút ra, nguồn tín dụng từ ngân hàng cũng không còn, NĐTNN thì rút ra nên chuyện giao dịch xuống thấp là điều tất yếu. Thị trường chứng khoán nhiều nước có nguồn vốn chủ yếu đến từ các quỹ mới ổn định và lâu dài" - ông Hiển nói. Vì vậy, theo ông Hiển, dù muộn nhưng ngay từ bây giờ, Việt Nam phải xây dựng hành lang pháp lý để khuyến khích sự ra đời, phát triển của các quỹ mở (huy động vốn hằng tháng) như quỹ bảo hiểm y tế tự nguyện, quỹ hưu trí, quỹ tương hữu...

Các định chế tài chính này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần ổn định và bền vững thị trường tài chính của một nền kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây