Giá USD tăng giảm thất thường đã phản ánh điều gì?
Tâm lý bầy đàn
Lý giải về hiện tượng này, ông Phạm Văn Thiệt, Tổng giám đốc ngân hàng Eximbank cho biết, giá VND/USD có sự thay đổi chủ yếu là do ảnh hưởng cung cầu ngắn hạn trên thị trường, đặc biệt là sau khi có nguồn tin các quỹ đầu tư nước ngoài rút khỏi TTCK, nhiều người dân lo sợ USD sẽ khan hiếm nên đổ xô đi mua. Trong khi đó, người bán thì sợ USD lên giá nên lại cố tình “găm” hàng, đẩy giá USD lên cao .
Đồng tình với ý kiến của ông Thiệt, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á cũng cho rằng, USD lên giá so với VND là do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, theo ông Bình, từ nay đến tháng 6/2008, tỷ giá VND/USD sẽ ổn định theo biên độ của Ngân hàng nhà nước (1% và sắp tới có thể là 2%). Nếu cầu USD gia tăng, nhà nước sẽ đưa cung USD vào thị trường để thu VND về. Khi đó, tiền đồng trong lưu thông được rút bớt, chỉ số giá tiêu dùng sẽ giảm dần. Điều này cho thấy tỷ giá USD chưa thể cao hơn VND trong một sớm một chiều.
Còn theo một chuyên viên phân tích tài chính của ngân hàng Vietcombank, đồng USD tăng mạnh trong nhất thời là do chủ trương của Ngân hàng Nhà nước muốn mua USD vào để cứu chứng khoán, giải quyết phần nào nỗi bức xúc của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhu cầu mua USD để nhập khẩu vàng của một số nhà đầu tư (khi thấy giá vàng có chiều hướng sút giảm) gia tăng. Ngoài ra, giá USD tăng cũng một phần do các quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét lại các danh mục đầu tư cũng như chuyển lợi nhuận kinh doanh của mình về nước.
Có nên dự trữ USD?
Một thống kê gần đây cho thấy, đến hết quý 1/2008, nền kinh tế Việt Nam nhập siêu tới 7,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu gấp 2,7 lần kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, khả năng thiếu USD là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, nếu FED (Cục dự trữ liên bang Mỹ) tiếp tục cắt lại suất USD xuống 2,25% trong khi lãi suất VND vẫn ở mức cao từ 11-12%/năm sẽ khiến cho áp lực đối với hệ thống ngân hàng thương mại trong việc huy động và cho vay bằng ngọai tệ thêm trầm trọng. Trong đó, cá nhân, doanh nghiệp nào vay quá nhiều USD sẽ phải trả giá.
Một cán bộ ngân hàng cho biết, thời gian qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp tuy không có nhu cầu USD vẫn đi vay USD về bán cho ngân hàng lấy tiền đồng để hưởng chênh lệch. Hậu quả là khi USD tăng giá, cá nhân, doanh nghiệp phải “chạy đôn, chạy đáo” mua USD với giá cao để trả nợ cho ngân hàng.
Nhận định về vấn đề nhạy cảm này, chuyên gia tài chính, chứng khoán Huy Nam cho rằng, về lâu dài, tỷ giá USD tăng so với VND sẽ không có lợi cho nhập khẩu vì chi phí đầu vào dội lên. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu lại được lợi. Đây cũng là một phần trong chính sách kiềm chế lạm phát mới đây của Chính phủ, trong đó có nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong thực tế, xu hướng tăng giá USD vẫn chưa nhiều, cầu ngoại tệ vẫn chủ yếu tập trung ở các nhà nhập khẩu. Đó là chưa kể, so với lãi suất VND, lãi suất tiết kiệm USD vẫn thấp hơn nhiều. Nên theo chuyên gia Huy Nam, trong giai đoạn này việc mua USD vào để dự trữ chưa hẳn là một giải pháp đầu tư tốt
Hùng Vũ