Chính sách “bám đuôi”

Nhà đầu tư mong đợi các nhà quản lý có phương thuốc phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Tuy nhiên, bình tâm mà ngẫm kỹ thì thấy rằng, những biện pháp “cứu giá” hiện nay, thoạt nhìn có thể giúp TTCK hồi phục nhanh chóng nhưng đây là các giải pháp “bám đuôi” khi thị trường đã rơi vào bất ổn, nhiều nhà đầu tư đã phải trả giá quá đắt. Điều mà nhà đầu tư mong đợi là các nhà quản lý nên có phương thuốc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hay nói cách khác, Bộ Tài chính, UBCK và NHNN cần có những quyết định, giải pháp cụ thể để thị trường phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của thị trường tài chính và nền kinh tế.
 
“Năm 2007 có thể được coi là năm không suôn sẻ về chính sách đối với TTCK”, nhận xét này của ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cũng giống quan điểm của khá nhiều chuyên gia phân tích chứng khoán. Năm 2007, thị trường đã phản ứng mạnh với chính sách đánh thuế thu nhập vào nhà đầu tư cá nhân và thắt chặt cho vay đầu tư chứng khoán (Chỉ thị 03 của NHNN). Điều đáng nói là trước khi những quyết định này được ban hành, đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia chứng khoán, ngân hàng, quỹ đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư… lên tiếng. Tuy vậy, các cơ quan chức năng vẫn quyết định ban hành. Hậu quả, khi thị trường tuột dốc thì cũng chính là lúc các cơ quan này vội vàng đề xuất lùi thời hạn áp dụng đánh thuế thu nhập với nhà đầu tư cá nhân trên TTCK và xem xét giãn cho vay kinh doanh chứng khoán.
Khi thị trường ở thời điểm nhạy cảm, một nhà phân tích chứng khoán đã nhận định, các giải pháp mà các cơ quan chức năng tung ra không đúng thời điểm. Đáng ra, những biện pháp đó phải được ban hành từ nhiều tháng trước, khi thị trường xuất hiện dấu hiệu “hắt hơi sổ mũi”. Và cuối cùng, thuốc kháng sinh liều cao (những quyết định chính thức về giãn các đợt IPO… ) chỉ được tung ra khi sức chịu đựng nhà đầu tư đã lên đỉnh điểm.
Đề cập đến giải pháp giãn các đợt IPO, một số ý kiến nhận định, vì không bị áp lực phải IPO như VCB nên thời điểm thị trường trong tình trạng vừa giao dịch, vừa nghe ngóng như hiện nay, tự bản thân các DN cũng muốn từ từ rồi mới IPO. Cái yếu ở đây là khi thị trường nóng thì không có hàng tung ra, lúc thị trường “đóng băng” thì lại bơm ra quá nhiều hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không riêng gì TTCK, lĩnh vực nào cũng vậy, nếu được điều hành theo kiểu nóng ở đâu thì hạ sốt ở đó, mà không có một chiến lược dài hạn thì khó có sự phát triển ổn định. Ngoài ra, nhiều nhà phân tích cũng lo ngại về tính 2 mặt của những giải pháp “cấp cứu” vừa đưa ra. Giãn các đợt IPO có thể cân đối cung cầu, nhưng nhiều DN sẽ chịu tiếng thất hứa với nhà đầu tư; nới lỏng tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán có thể cứu thị trường trong lúc ảm đạm, nhưng khi thị trường nóng lên, sẽ ra sao khi được bơm quá nhiều tiền?
Những biện pháp không gây sốc và được suy tính kỹ càng từ lợi ích 3 bên: Nhà nước - DN - nhà đầu tư trước khi được ban hành là điều mà đông đảo nhà đầu tư mong đợi từ phía các cơ quan chức năng trong năm 2008
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây