Để kiềm chế giá xăng, Nhà nước phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng
"Sóng ở đáy sông"
Theo dự đoán của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, thì tình hình xã hội đang tạm thời yên ả nhưng sẽ không kéo dài. "Chính phủ chỉ yêu cầu không tăng giá cho đến hết tháng 6 và có lẽ chúng ta không thể tiếp tục can thiệp mãi bằng biện pháp hành chính!". Còn theo Trưởng ban công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên: "Nếu mức trượt giá tiếp tục, tỷ lệ hộ nghèo sẽ còn tăng nữa".
Trao đổi với Dân trí trước khi lễ khai mạc Kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XII diễn ra sáng nay, 6/5, một số đại biểu Quốc hội đều cho rằng họ đến đây với một niềm hy vọng sẽ bàn bạc để tìm được hướng tốt nhất giúp người dân qua cơn “bão giá”. Mặc dù chỉ số tiêu dùng đang chững lại nhưng thực sự cơn bão này sẽ chưa thể qua đi, thậm chí có thể nó còn trở lại dữ dội hơn.
Bởi theo họ, chống lạm phát cần những giải pháp quyết liệt và mang tính dài hơi. Trong khi 8 giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ mới chỉ là những giải pháp tạm thời, trước mắt. Cái mà chúng ta đang cần là phải điều tiết nền kinh tế vĩ mô sao cho hợp lý, nhất là về tiền tệ: lãi suất ngân hàng, ngoại hối... Nhà nước phải là người điều tiết thị trường chứ không “chạy” theo thị trường...
Về mối nguy hiểm tiềm ẩn của “sóng ở đáy sông”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đưa ra nhận xét: "Thị trường tài chính tiền tệ có vấn đề, chỉ số giá tiêu dùng cao, đời sống nhân dân đi xuống. Chúng ta chưa nhìn vào thực chất là đời sống người dân không cao".
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, xem xét các giải pháp của Chính phủ đã hiệu quả chưa? Có chống được lạm phát không, đồng thời chính Quốc hội có sáng kiến gì không?".
Sự hy sinh thầm lặng của Chính phủ
Năm 2007, tổng chi ngân sách Nhà nước cho phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai và dịch bệnh là gần 2.600 tỷ đồng.
Cùng đó, Chính phủ cũng đã xuất dự trữ quốc gia cấp không thu tiền trên 63 nghìn tấn gạo, 550 tấn thóc và ngô giống, hàng triệu liều vắc xin để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân các vùng bị thiệt hại do thiên tai.
|
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối tổ chức hồi trung tuần tháng 4, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ cho phép tạm ứng trước 95% số lỗ tạm tính theo kế hoạch nhập khẩu cho doanh nghiệp không tăng giá bán lẻ đến tháng 6. Các mặt hàng như xăng dầu, điện, than, xi măng, cước phí giao thông... phải giữ ổn định đến tháng 6.
Tuy nhiên, với quyết định này, thực sự, Chính phủ đã rất tiến thoái lưỡng nan. Bởi để kiềm chế lạm phát, ngân sách chịu một sức ép lớn vì sẽ phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để bù lỗ. Phải ghi nhận đó là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ để bình ổn cho cuộc sống của người dân nhưng tình hình này liệu có thể tiếp tục kéo dài được không?
Mới đây, khi trả lời trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: "Phải thực hiện mọi biện pháp để giảm tốc độ tăng giá, tháng sau phải thấp hơn tháng trước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô".
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn khoảng 7%, trong đó giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%, ngành công nghiệp và xây dựng khoảng 8,1% và dịch vụ khoảng 8%.
Khi giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống, sẽ có một loạt “hệ lụy” kèm theo như đời sống nhân dân sẽ khó khăn, cơ hội việc làm, xóa đói giảm nghèo cũng khó khăn hơn... “Nhưng, khó khăn đến đâu cũng không hạ chỉ tiêu giảm nghèo" Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì đây cũng chính là thời điểm rất cần mỗi người dân cùng Nhà nước chung sức, chung lòng "thắt lưng buộc bụng" để vượt qua khó khăn.
Cũng theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: "Chính phủ quyết tâm dồn mọi hỗ trợ cho người nghèo, tiếp tục mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc".
Sang tháng 6, Chính phủ liệu có gia hạn thêm quyết định “trói” giá để tiếp tục bình ổn thị trường nữa hay không sẽ là điều được đưa ra bàn thảo trong kỳ họp này. Với lời hứa của những người nắm “cán cân” điều tiết thị trường vừa đưa ra thì người dân vẫn luôn có quyền được hy vọng họ không phải đối diện với một tháng 6 nóng bỏng
Lê Châu