Cho vay chứng khoán: nới lỏng hay siết thêm?

Tiền sẽ tiếp tục bị rút khỏi thị trường chứng khoán trong năm 2008. Ảnh: LÊ TOÀN

Theo dự kiến, nếu quy định mới được áp dụng, dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán của các tổ chức tín dụng sẽ tương ứng 15-20% vốn điều lệ. Còn nếu theo Chỉ thị 03 trước đó, cũng của Ngân hàng Nhà nước ban hành, thì dự nợ loại cho vay này được khống chế không quá 3% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đó.

Thoạt nhìn giữa con số 15-20% và với con số 3% thì có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang nới lỏng chính sách cho vay cầm cố chứng khoán mà năm qua đã gặp không ít lời kêu ca từ phía những người tham gia thị trường chứng khoán.

Thế nhưng, khi những nhà đầu tư kịp ngẫm nghĩ lại thì thấy rằng Ngân hàng Nhà nước chẳng những không mở ra sau những lời ta thán của thị trường, mà trái lại đang siết chặt hơn.

Chỉ cần lấy ví dụ cụ thể một vài ngân hàng trong nước như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay Ngân hàng Á Châu (ACB) chẳng hạn.

Sacombank cuối năm 2007, vốn điều lệ là 4.450 tỉ đồng và dư nợ cho vay là 34.316 tỉ đồng, như vậy số tiền cho vay chứng khoán theo quy định 3% tổng dư nợ của ngân hàng này sẽ là hơn 1.000 tỉ đồng, trong khi theo quy định mới 20% vốn điều lệ thì chỉ là 890 tỉ đồng.

Đối với ACB, cuối năm 2007, vốn điều lệ của ngân hàng này là 2.630 tỉ đồng và dư nợ là 31.600 tỉ đồng, tính ra lượng tiền cho vay chứng khoán theo quy định mới chỉ có 526 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với quy định cũ là 948 tỉ đồng.  

Còn tính tất cả các ngân hàng thương mại trên toàn địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng là 23.024 tỉ đồng trong khi tổng dư nợ là 406.353 tỉ đồng. Lượng cho vay đầu tư chứng khoán nếu theo qui định cũ 3% tổng dư nợ sẽ là 12.191 tỉ đồng, trong khi theo qui định mới chỉ còn 4.604 tỉ đồng.

Năm 2008, có thể sẽ có thêm chín ngân hàng mới được cấp phép thành lập với tổng vốn điều lệ sẽ là 15.000 tỉ đồng. Nếu tính thoáng hơn, không xét đến việc các ngân hàng mới này đặt ở tỉnh nào, thì theo qui định mới nói trên, số tiền đổ vào chứng khoán sẽ là 3.000 tỉ đồng (chiếm 20%). Như vậy, thực tế sẽ có hơn 4.500 tỉ đồng sẽ bị rút khỏi thị trường chứng khoán trong năm sau. Thực tế, quy định mới này đang siết chặt hơn việc cho vay chứng khoán, và như vậy, các ngân hàng sắp tới lại càng phải rút bớt vốn về.  

Một số ý kiến còn cho rằng quy định mới này còn có thể khiến nhiều ngân hàng thấy càng cần phải chạy đua tăng vốn điều lệ, trong đó có lý do là đáp ứng nhu cầu cho vay chứng khoán. Việc tăng vốn có thể bằng cách phát hành thêm cổ phần để chuyển thặng dư vốn hoặc lợi nhuận giữ lại (được tính vào vốn tự có) thành vốn điều lệ, hoặc huy động mới... Giả sử các ngân hàng phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn trong bối cảnh như hiện nay, có thể sẽ càng làm thị trường thêm khủng hoảng thừa lượng cung. Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã từng có ý kiến yêu cầu các tổ chức niêm yết cân nhắc việc phát hành thêm trong giai đoạn này.   

Ở khía cạnh khác, nếu như Ngân hàng Nhà nước xét các phương án tăng vốn của các ngân hàng không khả thi, thì các ngân hàng khó lòng tăng vốn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý chặt hơn lượng tiền bơm vào chứng khoán, lấp lỗ trống của quy định cũ là các ngân hàng có thể dễ dàng tăng tổng dư nợ để tăng cho vay chứng khoán.  

Theo một chuyên gia chứng khoán, quy định này còn không công bằng với các ngân hàng đã phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn điều lệ, số vốn này sẽ chuyển thành vốn điều lệ trong tương lai, vậy có được tính vào hay không?  

Theo chuyên gia này, việc quy định mới này nếu được áp dụng sẽ làm khó cho nhiều ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại cổ phần; ngoài ra, có khả năng ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán trong thời gian tới, mạnh như khi chỉ thị 03 vừa ra đời.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây